(HNM) - Đánh giá về công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn trật tự đô thị, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi cho rằng, cần có sự quyết tâm, kiên trì, xác định rõ trách nhiệm từ lãnh đạo quận, chính quyền cơ sở đến từng địa bàn dân cư.
Các bạn trẻ dọn rác xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường Đồng Xuân, vấn đề vệ sinh môi trường (VSMT) là câu chuyện rất bức xúc. Mặc dù phường đã bố trí cán bộ tự quản chuyên về VSMT, kết hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) - Chi nhánh Hoàn Kiếm liên tục thu gom rác, nhưng khách vãng lai đến giao dịch và cả người dân trên địa bàn thiếu ý thức vẫn xả rác ra hè, đường nên lượng rác nhiều và khó kiểm soát. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy phường Tràng Tiền cho biết, phường thực hiện thí điểm mô hình thu gom rác bằng xe cơ giới. Việc triển khai đồng bộ được đông đảo người dân đồng tình và tham gia, giúp bộ mặt đô thị cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện tình trạng vứt rác không đúng giờ, lực lượng chức năng đã phát hiện một hộ dân ở trong ngõ, đi tập thể dục từ 4h sáng và mang rác ra vứt ngoài đường. Sau khi nhắc nhở, tuyến phố mới được phong quang, sạch sẽ. Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ Nguyễn Trung Thủy phàn nàn, thùng rác được bố trí ở những điểm công cộng, nhưng vẫn còn không ít người bỏ rác ra ngoài. “Nguyên nhân vì họ ngại… mở nắp thùng rác” - ông Thủy nói. Việc vệ sinh thùng rác cũng cần được làm thường xuyên sao cho sạch sẽ. Không để xảy ra hiện tượng khách nước ngoài khi bỏ rác vào thùng phải dùng giấy lót tay mở nắp thùng…
Là địa bàn trọng điểm, quận Hoàn Kiếm đã có kế hoạch "dài hơi" để giữ gìn VSMT. Tình hình đã có chuyển biến rõ nét, nhất là trong các dịp lễ, Tết, dịp diễn ra sự kiện chính trị lớn của thành phố, đất nước. Tuy nhiên, để bảo đảm duy trì thường xuyên, Bí thư Quận ủy Hoàng Công Khôi cho rằng, cần nâng cao ý thức của người dân, đồng thời cần làm rõ trách nhiệm cụ thể của các lực lượng được giao giữ gìn VSMT. Đây là việc khó, nhưng không phải là không làm được. Vấn đề là từ lãnh đạo quận, phường, đoàn thể đến các khu dân cư đều phải quyết tâm, kiên trì thực hiện những giải pháp đã đề ra.
Theo ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, quận đã xây dựng và ban hành phương án bảo đảm VSMT trên địa bàn, trong đó có những nội dung rất chi tiết, từ thời gian, địa điểm thu gom rác; vị trí, số lượng thùng rác đến trách nhiệm của URENCO, của người dân, UBND phường, quận, các phòng chuyên môn, của lực lượng công an, sự tham gia của các đoàn thể... kèm theo là chế tài xử phạt. Đơn cử, việc bỏ rác đúng giờ quy định, rác phải để trong túi kín..., nếu vi phạm sẽ bị nêu tên trên loa truyền thanh của phường; cố tình tái phạm sẽ không được công nhận gia đình văn hóa. Tổ dân phố có hộ gia đình vi phạm về VSMT sẽ không được xét danh hiệu Tổ dân phố văn hóa. Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách nhà đất - đô thị hằng ngày có trách nhiệm kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm, nếu để xảy ra mất VSMT, vi phạm trật tự đô thị thường xuyên trên địa bàn phường thì bị cắt thi đua và xem xét trách nhiệm xử lý kỷ luật, rút khỏi vị trí công tác; củng cố hoạt động của Ban Chỉ đạo 197 phường, thực hiện phân chia địa bàn thành các khu vực và giao trách nhiệm cụ thể cho từng người, từng lực lượng, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm...
Ngay từ khi bàn thảo phương án, các tổ chức, đoàn thể đã nhận tham gia từng phần việc. Đoàn thanh niên xung phong xóa các "điểm đen" về tập kết rác; Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ tuyên truyền, hướng dẫn và trực tiếp tham gia giữ gìn VSMT ở khu phố, cụm dân cư. Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh: "Công an quận sẽ giao nhiệm vụ cụ thể tới công an 18 phường và lực lượng cảnh sát khu vực... nhắc nhở nhân dân không để rác ra đường". Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Phạm Tuyết Lan cho biết, chính quyền sẽ thông báo cho các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn, nắm rõ kế hoạch, cùng tham gia bảo đảm VSMT, để công tác này ngày một hiệu quả, thực chất.n
Ý kiến: Xử lý chất thải nguy hại như thế nào cho đúng? Trên bất kỳ điểm tập kết rác nào, chúng ta thường bắt gặp vài ba chiếc bóng đèn tuýp vứt lăn lóc, nhiều cái được bẻ gãy đôi để dễ vứt bỏ. Khi nhân viên thu gom rác đến, không chừng cái đống bóng đèn tuýp kia còn được đập vỡ vụn hơn, lèn chặt cùng với các loại rác thải khác đưa lên xe ô tô mang đi. Không mấy ai mảy may nghĩ đến việc đã có một lượng thủy ngân từ loại bóng đèn này phát tán ra môi trường. Trung Dũng (quận Thanh Xuân) |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.