Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Saudi Arabia - Iran: Thêm một chương căng thẳng

Thùy Dương| 04/01/2016 06:05

(HNM) - Mối quan hệ vốn dĩ căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran có nguy cơ leo thang khi Riyadh xử tử Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr, người có mối quan hệ gần gũi với Iran. Ngay sau vụ hành quyết, hai nước đã triệu đại diện ngoại giao của nhau để phản đối.


Trước đó, ngày 2-1, Saudi Arabia đã hành quyết 47 đối tượng bị kết tội có tư tưởng cực đoan, gia nhập "các tổ chức khủng bố" và thực hiện nhiều "âm mưu tội ác", trong đó có Giáo sĩ Nimr al-Nimr. Trong số này có cả người Hồi giáo dòng Sunni bị kết tội tham gia các cuộc tấn công đẫm máu năm 2003 và 2004 do tổ chức Al-Qaeda thực hiện, làm nhiều người Saudi Arabia và người nước ngoài thiệt mạng. Trước sự việc này, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaber Ansari đã cáo buộc Saudi Arabia hỗ trợ khủng bố và sẽ phải "trả giá đắt" sau khi hành quyết Giáo sĩ Nimr al-Nimr.

Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran bị người biểu tình Iran phóng hỏa ngày 2-1.


Từ trước đến nay, quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia luôn trong tình trạng "cơm không lành, canh không ngọt" do mâu thuẫn trong quan niệm tôn giáo cũng như cách tiếp cận trong nhiều vấn đề quốc tế. Về tôn giáo, đa số người dân Iran theo Hồi giáo dòng Shiite, trong khi đa số dân Saudi Arabia lại theo Hồi giáo dòng Sunni. Saudi Arabia luôn tự cho mình là người đứng đầu giáo phái dòng Sunni còn Iran là một nhà lãnh đạo khu vực dòng Shiite. Chính sự khác nhau giữa hai chi phái lớn nhất trong Hồi giáo khiến Iran và Saudi Arabia luôn đứng về hai phía trong các vấn đề của khu vực như cuộc khủng hoảng tại Syria hay tại Yemen. Saudi Arabia đã ủng hộ các đồng minh người Sunni tiến hành những cuộc xung đột từ Yemen tới Lebanon để chống lại người Hồi giáo dòng Shiite do Iran hậu thuẫn.

Gần đây, Iran yêu cầu Saudi Arabia dừng các cuộc không kích tại Yemen. Tuy nhiên, quốc gia này đã từ chối và sau đó Iran đã thông báo dừng các tuyến hàng không đến Saudi Arabia trong lễ hành hương. Trên chiến trường Syria, Saudi Arabia là một trong những nước kiên quyết nhất trong yêu cầu đòi Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi. Vương quốc này cũng tuyên bố sẽ tăng cường chuyển vũ khí cho các chiến binh nổi dậy chống lại ông Al-Assad, sau khi nhiều giáo sĩ Hồi giáo quyền lực trong nước đòi đáp trả hành động can thiệp quân sự của Nga. Saudi Arabia cũng lớn tiếng chỉ trích thỏa thuận gần đây của Iran với các cường quốc thế giới để kết thúc lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế đổi lại hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran.

Việc Saudi Arabia hành quyết Giáo sĩ Nimr al-Nimr dường như chấm dứt mọi hy vọng rằng sự xuất hiện của kẻ thù chung là nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa các cường quốc Hồi giáo Sunni và Shiite ở khu vực, vốn ủng hộ các phe đối lập trong các cuộc nội chiến đang hoành hành ở Syria và Yemen. Hành động của Saudi Arabia cũng đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế và làm dấy lên làn sóng biểu tình tại ít nhất một thành phố của tỉnh Eastern giàu dầu mỏ của nước này, nơi người Shiite bất mãn về việc bị phân biệt đối xử.

Phản ứng trước quyết định xử tử Giáo sĩ Nimr al-Nimr, nhân vật chủ chốt trong làn sóng biểu tình nổ ra hồi năm 2011 ở miền Đông Saudi Arabia, Liên minh Châu Âu (EU) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời cảnh báo rằng vụ việc này có thể gây ra "các hậu quả nghiêm trọng" đối với khu vực. Trong khi đó, Mỹ đã cảnh báo Saudi Arabia, quốc gia có người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số, rằng việc nước này xử tử giáo sĩ người Shiite sẽ khiến Riyadh phải đối mặt với "nguy cơ gia tăng căng thẳng tôn giáo".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tái khẳng định, sự cần thiết của việc các nhà lãnh đạo Trung Đông cần tăng gấp đôi nỗ lực để giảm leo thang căng thẳng khu vực. Tại Iraq, hàng trăm người đã biểu tình phản đối tại thành phố Karbala linh thiêng của người Shiite. Nhà lập pháp Khalaf Abdelsamad đã kêu gọi đóng cửa Đại sứ quán của Saudi Arabia tại thủ đô Baghdad và hối thúc chính phủ trục xuất Đại sứ Saudi Arabia. Tối 2-1, những người biểu tình Iran phản đối việc Saudi Arabia xử tử Giáo sĩ Nimr al-Nimr đã đốt phá Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran.

Vụ việc được cho là sẽ mở ra một chương mới đầy căng thẳng trong cuộc đấu tranh quyền lực giữa dòng Hồi giáo Sunni và Shiite đang diễn ra khắp Trung Đông. Và điều đó sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đến cuộc chiến chống IS và sự ổn định tại khu vực vốn đầy bất ổn này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Saudi Arabia - Iran: Thêm một chương căng thẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.