Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Nga - Mỹ căng thẳng: Nối dài "cơn ác mộng" Syria

Thùy Dương| 09/10/2016 07:19

(HNM) - Quốc hội Nga vừa thông qua thỏa thuận với Syria về việc triển khai vô thời hạn lực lượng Nga ở quốc gia Trung Đông như một chỉ dấu khẳng định sự hiện diện lâu dài tại đây. Đa số các nhà lập pháp Nga đã bỏ phiếu thông qua văn bản được ký kết giữa Mátxcơva và Damascus hồi tháng 8-2015,

Giao tranh tại Aleppo vô cùng ác liệt sau khi thỏa thuận của Nga - Mỹ về Syria đổ vỡ.



Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Mátxcơva với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ liên quan đến chiến dịch không kích của Nga và Syria nhằm vào lực lượng đối lập với ông Bashar Al-Assad thời gian gần đây. Nói cách khác, sự kiện này khiến mối quan hệ vốn đang gặp sóng gió giữa Mỹ và Nga tiếp tục "lao dốc" khi Washington tuyên bố chấm dứt đối thoại với Mátxcơva về vấn đề Syria. Lý do được Mỹ viện dẫn là quân đội Chính phủ Syria không thực thi nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn, tiếp tục tấn công vào nhiều khu dân cư, bệnh viện, cơ sở hạ tầng thiết yếu… khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Trung Đông này thêm trầm trọng.

Mỹ tuyên bố sẽ chuyển sang thực hiện "Phương án B" ở Syria, cụ thể là tăng cường số lần không kích, điều thêm lực lượng đặc nhiệm đến khu vực và cung cấp thêm vũ khí mới cho lực lượng nổi dậy được nước này hậu thuẫn. Đáp lại, Mátxcơva cáo buộc cuộc khủng hoảng tại Syria không tìm được lối thoát là do Washington không đủ “năng lực” phân định được lực lượng đối lập “ôn hòa” và khủng bố. Nga cũng có nhiều hành động mạnh mẽ như đình chỉ thỏa thuận nghiên cứu năng lượng hạt nhân, trao đổi uranium và ngừng thỏa thuận về sử dụng plutonium. Đồng thời, điện Kremlin cũng quyết định triển khai cường kích Su-24 và tiêm kích bom Su-34 đến Syria, trong khi máy bay chiến đấu Su-25 cũng đã sẵn sàng tái triển khai đến khu vực. Đặc biệt, Nga lần đầu tiên triển khai hàng loạt hệ thống phòng không hiện đại S-300 và S-400 tại quốc gia Trung Đông nhằm bảo vệ các binh lính đồn trú tại căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Khmeimim.

Vậy là sau khi ngừng các cuộc đàm phán về nỗ lực chấm dứt bạo lực ở Syria, cả Mỹ và Nga đều chọn cho mình một lối đi riêng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân sâu xa khiến quan hệ giữa hai cường quốc leo thang căng thẳng là do sự khác biệt về mục tiêu và lợi ích tại những điểm nóng xung đột. Tại Syria, theo đề nghị của Tổng thống B.Al-Assad, Nga đã điều lực lượng không quân tiến hành chiến dịch không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hỗ trợ quân đội Chính phủ Syria đẩy lùi lực lượng khủng bố. Chế độ hợp pháp của Tổng thống B.Al-Assad được củng cố và ngày càng giành thêm nhiều vùng lãnh thổ từ tay các tổ chức đối lập. Điều này cũng giúp Nga bảo vệ vị thế và ảnh hưởng của mình tại Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung. Trong khi đó, mục tiêu hàng đầu của Mỹ là lật đổ chế độ của vị tổng thống hợp pháp này, người mà Washington coi là không phù hợp với lợi ích địa chính trị của Mỹ trong khu vực. Cũng theo các nhà phân tích, trong ngắn hạn, việc ngừng đối thoại về Syria có thể "khai tử" mọi nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc nội chiến và tiến hành bầu cử chính phủ mới ở nước này.

Trong khi những bất đồng giữa Nga và Mỹ tiếp diễn thì tại Syria, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt, đặc biệt ở TP Aleppo. Theo một báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giao tranh dữ dội tại Aleppo những ngày qua đã khiến hơn 300 người thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương, bệnh viện lớn nhất thành phố đã trúng bom và bị phá hủy hoàn toàn. Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đã lên tiếng bày tỏ quan ngại trước việc chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt đang đẩy Aleppo tới bờ vực của sự hủy diệt. Theo ước tính của Liên hợp quốc (LHQ), cho đến thời điểm hiện tại, khoảng 275.000 dân thường, trong đó có 100.000 trẻ em đang mắc kẹt tại khu vực phía Đông Aleppo. Trong bối cảnh này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã phải hối thúc các cường quốc thế giới làm việc tích cực hơn để chấm dứt "cơn ác mộng" ở Syria.

Có thể nói, sự phối hợp Nga - Mỹ là con đường hứa hẹn nhất để tìm ra giải pháp phù hợp và tiến tới chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria. Do đó, sự đổ vỡ của các cam kết hợp tác giữa Washington và Mátxcơva ở thời điểm hiện tại chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho các nỗ lực vãn hồi hòa bình tại quốc gia Trung Đông. Mở rộng hơn, sự bất đồng giữa hai cường quốc có vai trò lớn tại Syria cũng không có ích cho cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là IS tại khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Nga - Mỹ căng thẳng: Nối dài "cơn ác mộng" Syria

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.