(HNM) - Quan hệ đồng minh thân cận giữa Philippines và Mỹ đang có những dấu hiệu bất thường kể từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền. Những phát ngôn mạnh mẽ, chưa từng có tiền lệ của vị Tổng thống đương nhiệm của Philippines đã mang đến cảm giác lạ, khó hiểu.
Quân đội Mỹ hỗ trợ Philippines đối phó với các nhóm vũ trang cực đoan tại Mindanao. |
Ngày 12-9, trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức của các quan chức mới được bổ nhiệm ở Phủ Tổng thống, Tổng thống Philippines R.Duterte cho rằng các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ nên rời khỏi Mindanao, miền Nam Philippines. Vị tổng thống này đưa ra lý do rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ chỉ khiến cuộc chiến chống lại nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf tại khu vực trở nên phức tạp hơn. Ông R.Duterte cho rằng quyết định này còn nhằm bảo đảm an toàn cho lính Mỹ trước nguy cơ bị bắt cóc và đòi tiền chuộc từ nhóm phiến quân Hồi giáo. Tuyên bố trên là hết sức bất ngờ bởi lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã hỗ trợ an ninh ở Nam Philippines trong thời gian dài, theo đề nghị của nhiều đời Chính phủ Philippines. Từ năm 2002, Mỹ đã triển khai lực lượng đặc nhiệm đến TP Zamboanga, vùng Mindanao để huấn luyện và cố vấn cho quân đội Philippines chống lại Abu Sayyaf, nhóm vũ trang có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Mặc dù đã kết thúc chương trình huấn luyện lính Philippines từ năm 2015, nhưng hiện vẫn còn khoảng 100 lính đặc nhiệm Mỹ ở miền Nam Philippines làm công tác hỗ trợ hậu cần và kỹ thuật.
Đến ngày 13-9, Tổng thống R.Duterte lại lên tiếng tuyên bố nước này sẽ không tham gia các hoạt động tuần tra chung với Mỹ để tránh gây căng thẳng trên Biển Đông. Phát ngôn này dường như đồng nghĩa với việc hủy thỏa thuận mà Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino cam kết với Mỹ đầu năm 2016. Ông R.Duterte cũng cho biết đang cân nhắc mua thiết bị quốc phòng của Nga và Trung Quốc, điều khiến dư luận cho rằng vị tổng thống được ví như “Donald Trump của phương Đông” muốn tạo khoảng cách với đồng minh bên kia bờ Thái Bình Dương.
Những gì đang diễn ra cho thấy Tổng thống R.Duterte thực sự theo đuổi một chính sách mới như ông từng tuyên bố. Kể từ khi nhậm chức, vị tổng thống 71 tuổi này đã thực thi một chính sách đối nội triệt để, tiêu diệt tội phạm, ổn định đất nước, đặc biệt là tội phạm ma túy và các nhóm phiến quân có vũ trang. Đúng như cam kết trong chiến dịch tranh cử, mục tiêu ổn định đất nước đang được ông R.Duterte đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, bên cạnh sự mạnh tay đối với các tổ chức tội phạm là một chính sách đối ngoại không giống trước. Theo ông Ernesto Abella, Người phát ngôn Tổng thống Philippines, những lời lẽ hướng đến Mỹ thời gian qua cho thấy Tổng thống R.Duterte đang thực hiện tới một chính sách đối ngoại độc lập và sẵn sàng "phá vỡ bức tường che đậy các góc tối trong quan hệ giữa Philippines và Mỹ". Bản thân ông R.Duterte cũng đã từng khẳng định về quan điểm này khi phản đối việc Mỹ chỉ trích chiến dịch chống tội phạm ma túy khiến hơn 3.000 người chết. Có những ý kiến cho rằng sự quyết liệt trong cuộc chiến chống ma túy của nhà lãnh đạo Philippines là một tác nhân khiến quan hệ đồng minh thân thiết giữa hai bên giảm xuống. Mỹ nhìn nhận việc trấn áp những người liên quan đến “cái chết trắng” mà không qua trình tự xét xử là không đúng tinh thần của luật pháp, trái với quan điểm của ông R.Duterte.
Tuy nhiên, có một thực tế là Bộ Ngoại giao Philippines thường phải đưa ra những tuyên bố “giải thích” sau những phát ngôn của Tổng thống R.Duterte. Gần đây nhất là việc Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay lên tiếng khẳng định Manila sẽ tiếp tục tôn trọng những cam kết và nghĩa vụ nêu trong hiệp ước với Mỹ nhằm xóa đi những lo ngại về một sự khủng hoảng quan hệ với Washington. Dẫu vậy, Mỹ vẫn có lý do để lo lắng về tương lai mối quan hệ với một trong những đối tác quan trọng nhất tại khu vực, hay nói cách khác là một trụ cột an ninh để duy trì sự hiện diện của mình tại Châu Á - Thái Bình Dương. Ngay sau những tuyên bố của Tổng thống Philippines, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, Washington vẫn chưa nhận được thông tin chính thức nào từ Manila về việc rút quân khỏi Mindanao. Do vậy, Mỹ vẫn duy trì những cam kết đã được thỏa thuận trước đó. Trên thực tế, sự hỗ trợ từ Mỹ đã đóng góp một vai trò quan trọng đối với việc duy trì an ninh của Philippines và việc quân đội Mỹ hoàn toàn rút lui khỏi nhiệm vụ tại đảo quốc Đông Nam Á là kịch bản chưa được dư luận nghĩ tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.