Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ: Nấc thang căng thẳng mới

Thùy Dương| 31/08/2020 07:00

(HNM) - Mối quan hệ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp mới đây lại bị đẩy lên một nấc thang mới, khi cả hai nước tiến hành các cuộc tập trận riêng rẽ tại phía Đông Địa Trung Hải. Các nhà phân tích nhận định, hai nước dường như chưa sẵn sàng cho việc “tháo ngòi nổ” căng thẳng, bất chấp những nỗ lực hòa giải của các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU).

Hải quân Hy Lạp tập trận ở Đông Địa Trung Hải ngày 25-8 trong bối cảnh căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ do tranh chấp lãnh hải.

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở phía Đông Địa Trung Hải từ ngày 25-8 và kéo dài trong ba ngày. Thổ Nhĩ Kỳ tập trận cùng Mỹ, còn Hy Lạp tập trận chung với Pháp, Italia và Cộng hòa Síp. Trong một thông báo mới nhất Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật ở khu vực ngoài khơi phía Tây Bắc Cộng hòa Síp từ ngày 29-8 đến 11-9-2020.

Lâu nay, hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt ở Đông Địa Trung Hải là nguyên nhân "châm ngòi căng thẳng" giữa Athens và Ankara. Athens coi các cuộc thăm dò này là bất hợp pháp, trong khi Ankara khẳng định vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành thăm dò khí đốt thuộc thềm lục địa của nước này. Hai bên liên tục có những hành động “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau.

Theo đó, kể từ ngày 10-8, Thổ Nhĩ Kỳ điều các tàu hải quân hộ tống tàu nghiên cứu địa chất tới vùng biển tranh chấp tại Đông Địa Trung Hải với mục đích thăm dò và khai thác dầu khí tại đây. Trước động thái này, Hy Lạp đã triển khai một số tàu chiến liên tục giám sát các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ. Đến ngày 12-8, một vụ va chạm xảy ra giữa tàu khu trục của hai nước (đều là thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO) khiến căng thẳng giữa bên tiếp tục leo thang.

Hiện tại, Đức - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU đã tiên phong trong nỗ lực hòa giải căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Từ ngày 25-8, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thăm hai nước nhằm thúc đẩy đàm phán giữa hai bên, tuy nhiên, mọi nỗ lực hòa giải đã vấp phải trở ngại khi Ankara và Athens đều tiến hành tập trận hải quân riêng tại phía Đông Địa Trung Hải.

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là hai đồng minh NATO, nên các biện pháp giải quyết tranh chấp ở phía Đông Địa Trung Hải cần được thực hiện dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, mỗi quốc gia thành viên tham gia công ước được quyền khai thác tài nguyên khoáng sản trong vòng 200 hải lý tính từ các đảo thuộc chủ quyền, hay còn gọi là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Thổ Nhĩ Kỳ phản đối mạnh điều khoản này, vì một số đảo của Hy Lạp hiện chỉ cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ vài ki lô mét, diện tích EEZ của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhỏ hơn so với mong muốn của Ankara. Tranh chấp có thể được giải quyết nếu hai bên đồng ý đưa vấn đề ra một thiết chế độc lập, có thể là Tòa công lý quốc tế hoặc Tòa trọng tài Thường trực (PCA). Khi đó, các bên sẽ đồng ý cùng khai thác chung khu vực tranh chấp cho đến khi có phán quyết cuối cùng.

EU quan ngại, tình hình Đông Địa Trung Hải có thể diễn biến vượt tầm kiểm soát. Theo ông Michael Tanchum, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu an ninh và châu Âu của Áo, nếu Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ có những tính toán sai lầm hoặc xảy ra sự cố ngoài mong muốn thì điều đó có thể dẫn đến một cuộc “xung đột mở”.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, NATO sẽ tìm cách tránh nguy cơ xảy ra xung đột ở phía Đông Địa Trung Hải, đồng thời hỗ trợ nỗ lực ngoại giao của Đức nhằm làm dịu căng thẳng hiện nay.

Trong bối cảnh những nỗ lực trung gian hòa giải của EU chưa mang lại kết quả, việc Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cùng tăng cường hoạt động quân sự đang làm gia tăng nguy cơ bất ổn ở vùng biển có trữ lượng dầu khí khổng lồ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ: Nấc thang căng thẳng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.