(HNM) - Chiều 3-2, người dân trên đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội) hoảng hốt chứng kiến một cảnh sát giao thông bám vào cửa xe tải đang chạy. Sau khi bị kéo lê, cảnh sát này đã ngã xuống đường...
Thực tế, chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua tại địa bàn Hà Nội đã liên tiếp xảy ra gần chục vụ CSGT bị những tài xế quá khích hất lên nắp capô xe, trong đó có những trường hợp phải bám đầu xe hàng kilômét. Còn trên cả nước trong năm 2009 đã có 26 trường hợp lái xe đâm thẳng CSGT khi bị yêu cầu dừng xe. Một trong những vụ việc nghiêm trọng mới đây nhất xảy ra ở Hải Phòng, khi một thiếu tá ra hiệu lệnh dừng xe container đi sai làn đường đã bị lái xe tông thẳng, bị trọng thương và chết sau đó ít ngày.
Đáng nói là trong hầu hết các trường hợp đã xảy ra thì thực tế ban đầu chỉ là vi phạm hành chính, vi phạm luật giao thông đơn thuần. Nhưng cũng nên đặt ra câu hỏi vì sao sự việc vẫn liên tục tái diễn ngày càng nghiêm trọng, tính chất nguy hiểm? Nguyên nhân đầu tiên có thể thấy rõ là do chúng ta chưa xử lý thật nghiêm minh, cơ quan quản lý chưa đặt trọng tâm vào giáo dục nên một số người tham gia giao thông có hành vi ngang ngược, vi phạm pháp luật, xâm hại tính mạng của người thi hành công vụ, người tham gia giao thông. Thật đáng tiếc là những sự việc nghiêm trọng như thế lại liên tục xảy ra ở Thủ đô.
Ở các nước phát triển, khi ôtô đỗ sai quy định, CSGT chỉ cần dán phiếu vi phạm lên xe và chủ xe sẽ phải tự đi nộp phạt. Nhưng ở ta việc xử lý vẫn áp dụng cách CSGT trực tiếp lập biên bản. Đây chính là một áp lực, nhất là khi lượng phương tiện tham gia giao thông đang quá tải. Hiện nay, ở lĩnh vực vận tải đường sắt hay đường hàng không, vấn đề an ninh, an toàn đều được đặt ra rất ngặt nghèo. Hành khách chỉ cần có lời nói hàm chứa dấu hiệu nguy hiểm đã có thể "lãnh án" cấm bay suốt đời. Vậy tại sao những hành vi gây nguy hiểm trên đường bộ lại không thể áp dụng các biện pháp nghiêm khắc nhất, đặc biệt là khi tai nạn giao thông đang ngày càng tăng như hiện nay.
Đã đến lúc xã hội cần lên án những người dân có hành vi gây nguy hiểm cho người khác. Qua một số vụ việc, cơ quan chức năng đã xem xét khởi tố về tội danh chống người thi hành công vụ. Nhưng có vẻ như mức tội danh ấy quá nhẹ với những tài xế vô lương tâm như thế, vì đây là những hành vi mà họ buộc phải biết là nguy hiểm đến tính mạng người khác, nguy hiểm cho xã hội, là tình tiết tăng nặng trong cấu thành tội phạm.
Xã hội lên án hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của các lái xe ngông cuồng, đồng thời hoan nghênh các chiến sỹ CSGT dũng cảm, kiên quyết xử lý đối tượng vi phạm. Thế nhưng, qua các vụ việc gần đây cũng cho thấy, ở một khía cạnh khác lực lượng chức năng cần rút kinh nghiệm trong phương pháp xử lý. Thực tế, phương tiện tham gia giao thông (nhất là với ôtô) đều được đăng ký, có kiểm soát rõ ràng, việc xử lý nên cân nhắc đến các biện pháp an toàn hơn theo quy định của pháp luật, tránh tối đa gây nguy hiểm đến tính mạng. Kiên quyết, nhưng cũng rất cần sự khôn khéo, khoa học. Trong tuần tra kiểm soát, CSGT phải chấp hành đúng điều lệnh nội vụ, quy trình công tác, có phương án để cảnh giác với những đối tượng có hành vi chống đối. Ngoài xử lý nghiêm, việc xử lý cần công khai tại nơi công cộng hoặc nơi gây án để răn đe giáo dục. Có như thế mới triệt tiêu được bệnh nhờn luật!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.