(HNMO) - Theo công bố của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất do BĐKH gây ra. Đặc biệt đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hạn hán, phèn, mặn và lũ lụt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
Hội thảo “Các giải pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” của PVFCCo SW tại Sóc Trăng |
Thực tế cho thấy, mùa khô năm 2016, mặn đã xâm nhập sâu vào nội địa các tỉnh, thành ven biển ở ĐBSCL đến 90km so với 50-65 km như các năm trước đây, với diện tích đất lúa bị thiệt hại nặng do hạn - mặn khoảng 300.000ha. Nếu tình trạng hạn - mặn tiếp tục diễn ra như năm 2016 thì diện tích các vùng trồng lúa sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, làm giảm năng suất và sản lượng. Nông dân chính là đối tượng chịu nhiều tổn thất nặng nề nhất do thiếu điều kiện tiếp cận thông tin, thiếu khả năng tài chính để có thể đối phó kịp thời với sự thay đổi của thời tiết và khí hậu.
Trước tình hình đó, nhằm giúp bà con có được các thông tin tổng hợp về tình hình BĐKH và tác hại của nó tới sản xuất nông nghiệp cũng như chủ trương của Nhà nước trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các giải pháp canh tác thích hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại và thích ứng với BĐKH, Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long kết hợp với PVFCCo SW, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông 02 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh tổ chức các buổi tọa đàm với chủ đề “Các giải pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”.
Tại các buổi tọa đàm này, các chuyên gia đã trình bày chi tiết về tình hình BĐKH và những tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL; Đồng thời đề ra các giải pháp ứng phó và chủ trương của Nhà nước trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với BĐKH. Đặc biệt, phần tọa đàm trực tiếp giữa 4 Nhà: Nhà nước, nhà Khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp với nội dung tập trung vào các vấn đề trong sản xuất nông nghiệp; cụ thể là canh tác lúa vụ Đông Xuân 2016-2017 như giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch hại và các loại phân bón thích hợp với điều kiện BĐKH.
Các chuyên gia đã nêu bật giải pháp canh tác thích ứng với BĐKH như sử dụng giống, phân bón phù hợp với cây lúa trong điều kiện hạn - mặn do BĐKH gây ra cho một số địa phương tại ĐBSCL trong vụ Đông Xuân 2016-2017 và Hè Thu 2017. Giải pháp được đưa ra dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn để ứng dụng trên đồng ruộng của nông dân. Cụ thể là, với diễn biến bất thường của thời tiết thì các tỉnh ĐBSCL sẽ phải đối mặt với những khó khăn thách thức rất lớn cho canh tác lúa vì hạn hán sẽ kéo theo phèn và mặn ảnh hưởng trực tiếp tới sinh trưởng và năng suất lúa. Trước thực trạng đó ĐBSCL cần có các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại và thích ứng như sử dụng giống chịu mặn, chế độ canh tác thích hợp… đồng thời sử dụng phân bón hợp lý cũng là một giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường khả năng chống chịu mặn cho cây, tiết kiệm chi phí, hạn chế phát thải khí N2O và NH3 góp phần làm cho môi trường trong sạch hơn.
Khảo sát thực tế cho thấy, nông dân vùng Sóc Trăng, Trà Vinh bón phân chưa phù hợp với nhu cầu của cây lúa, thường bón dư thừa cả 3 nguyên tố đa lượng là đạm, lân và kali mà không quan tâm tới các nguyên tố trung lượng như canxi và silic. Số lần bón phân nhiều (4-5 lần/vụ) và chưa phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Lượng phân dư thừa này bị thất thoát theo nhiều con đường hoặc là chuyển thành dạng khí (phân đạm) hoặc là lưu tồn do bị cố định trong đất hoặc là thấm xuống tầng nước ngầm (phân lân) hoặc bị rửa trôi (với cả 3 loại đạm, lân và kali).
Trong vụ Hè Thu 2016, PVFCCo SW phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL thực hiện nhiều mô hình trình diễn tại các vùng bị xâm nhập mặn và khô hạn tại Trà Vinh, Sóc Trăng và Kiên Giang. Với việc xây dựng quy trình sử dụng bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ kết hợp các loại phân bón bổ sung trung lượng với hàm lượng cao (35% CaO, 25% SiO2, 2% MgO…) đã cho kết quả rất khả quan. Các mô hình mẫu đã giúp bà con nông dân thêm tin tưởng lựa chọn sản phẩm phân bón Phú Mỹ, giúp cây vẫn phát triển tốt, đầu vụ cây mạ khỏe hơn, lá dày, thế lá đứng và cứng cáp hơn, thời gian trỗ đồng loạt hơn. Về lâu dài, các chủng loại phân bón bổ sung trung lượng giúp lúa và các loại cây trồng khác tăng tính thích nghi trong điều kiện bị xâm nhập mặn cho những vụ mùa tiếp theo.
Các mô hình này giúp nông dân giảm lượng và số lần bón phân/vụ nhưng năng suất vẫn bảo đảm. Cụ thể, nông dân giảm 1 lần bón, tiết kiệm chi phí nhưng năng suất luôn đạt trên 4 tấn/ha trong điều kiện thời tiết bất lợi của vụ Hè Thu.
Trong các giải pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu thì canh tác theo quy trình khuyến cáo của các viện nghiên cứu, nhà khoa học kết hợp sử dụng sản phẩm phân bón hiệu quả là giải pháp tích cực. Và PVFCCo SW cam kết là luôn đồng hành và không ngừng cung cấp cho bà con nông dân những sản phẩm phân bón chất lượng, giúp bà con nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.