Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phương cách nào "giải cứu" nông sản?

Bài, ảnh: Trọng Ngôn| 18/11/2015 06:38

(HNM) - Tình trạng


Liên kết lỏng lẻo

Theo Bộ NN&PTNT, mối liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản trong thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng, còn tồn tại nhiều khúc mắc nội tại. Thực tế trong hai năm qua, tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân "lật kèo" vẫn còn phổ biến. Đối với lúa gạo, tỷ lệ thành công của hợp đồng tiêu thụ nông sản mới chỉ ở mức 20 - 30%. Đây được xem là mức khá khiêm tốn so với những kỳ vọng đặt ra. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính được cho là chưa có sự thống nhất về mô hình cánh đồng lớn. Mô hình tổ chức cánh đồng lớn ở mỗi địa phương, vùng miền có sự khác nhau ít nhiều. Đơn cử, tại địa phương này, các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra là tác nhân chính tham gia liên kết với nông dân thì ngược lại ở địa phương khác, liên kết chủ yếu là các doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư phân bón. Do vậy, nhiều nơi không có hợp đồng tiêu thụ nông sản, khiến sản phẩm người nông dân làm ra không biết đi đâu, về đâu.

Nông dân vẫn gặp khó trong tiêu thụ nông sản.



Thực tế cho thấy, tình hình triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trong thời gian qua tại hầu hết các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể, tốc độ mở rộng diện tích liên kết cánh đồng lớn còn chậm. Tuy cả nước đã có gần nửa triệu héc ta canh tác theo mô hình cánh đồng lớn, thế nhưng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - nơi tập trung nhiều nhất diện tích cánh đồng lớn - thì mới chỉ đạt 11% tổng diện tích canh tác lúa của vùng. Tính chung cả nước, diện tích cánh đồng lớn mới chỉ đạt xấp xỉ 4% diện tích canh tác. Hai năm qua mới chỉ có gần 20% các tỉnh, thành phố ban hành chính sách cánh đồng lớn và thành lập Ban chỉ đạo cánh đồng lớn; mới chỉ có khoảng 15% số tỉnh, thành phố phê duyệt quy hoạch/kế hoạch cánh đồng lớn. Tuy nhiên, số lượng các dự án/phương án cánh đồng lớn được phê duyệt cũng còn khá khiêm tốn. Về chất lượng của mô hình cánh đồng lớn, tỷ lệ thành công trong liên kết và tiêu thụ nông sản còn thấp.

Làm gì để "giải cứu" nông sản?

Tại nhiều địa phương ở ĐBSCL, mối liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ yếu chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ, mà chưa có những ràng buộc vững chắc. Đa phần doanh nghiệp nhất là ngành lúa gạo chưa có đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật để đầu tư ứng trước cho nông dân cũng như chưa có điều kiện để tổ chức hệ thống thu mua. Chính vì vậy, phương thức thu mua nông sản đến thời điểm này cũng chủ yếu thông qua thương lái. Cả doanh nghiệp và nông dân đều thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn ở các mô hình cánh đồng lớn hiện còn nhiều khó khăn. Các chính sách hiện nay chưa tính đến sự đa dạng mô hình liên kết ở các vùng miền, địa phương, lĩnh vực sản xuất khác nhau.

Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn "được mùa, mất giá; được giá, mất mùa", các chuyên gia cho rằng, có thể hình thành các hợp tác xã (HTX) sản xuất nông sản với nhiều tác nhân tham gia, đặc biệt là doanh nghiệp và nông dân. Qua đó, sẽ chủ động được đầu ra và giá cả. Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, mô hình HTX có vai trò của doanh nghiệp tham gia này sẽ tạo nên chuỗi giá trị, lợi nhuận sẽ được chia sẻ và bảo đảm sự ổn định cho người nông dân. Tại ĐBSCL, Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang và Tổng công ty Lương thực Miền Nam cũng đang hỗ trợ nông dân liên kết trong cánh đồng lớn thành lập các HTX nông nghiệp làm trung gian liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Đặc biệt, Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang đã hỗ trợ thành lập hàng trăm tổ, nhóm hợp tác từ hàng trăm hộ sản xuất trên diện tích gần 40.000ha cánh đồng lớn nhằm xây dựng ổn định vùng nguyên liệu.

Để bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, theo Bộ NN&PTNT, cần hoạch định lại để xây dựng liên kết ở mức độ cao hơn, mạnh hơn - liên kết theo chuỗi - gắn chặt với quyền lợi của các tác nhân tham gia, hướng đến việc xây dựng "hợp đồng nông sản" bền chặt, có lợi cho các bên, tiêu thụ nông sản với giá cả hợp lý cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phương cách nào "giải cứu" nông sản?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.