(HNM) - Ngày 29-7, tại hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2014-2015, bản dự thảo với 3 phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT công bố là vấn đề
Ba phương án cho một kỳ thi
Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ tổ chức thành từng cụm thi theo địa bàn tỉnh, thành phố và diễn ra vào tuần thứ 2 của tháng 6 hằng năm với các môn thi gồm: Toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý (thi tự luận), vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ (thi trắc nghiệm). Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, mỗi phương án đều có những ưu, khuyết điểm. Bộ GD-ĐT mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp về từng phương án để hoàn thiện, đưa ra quyết định chính thức và công bố vào tháng 9-2014 về lộ trình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Vẫn chưa thống nhất phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Ảnh: Viết Thành |
Với phương án 1, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ vẫn thi như cách truyền thống với 8 môn gồm: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, HS phải thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn còn lại. Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể dùng khi đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Ngoài 4 môn này, HS có thể đăng ký thi thêm các môn thi còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường quy định.
Theo phương án 2 thì kỳ thi sẽ được tổ chức thi theo bài thi chứ không phải môn thi như hiện nay. Các môn học được tổng hợp thành 5 bài thi, gồm: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (tổng hợp từ môn học vật lý, hóa học, sinh học), khoa học xã hội (tổng hợp từ môn lịch sử, địa lý). Với phương án này, HS phải thi 4 bài thi, trong đó 3 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn từ bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.
Phương án 3 của Bộ GD-ĐT cũng là tổ chức thi theo bài, gồm bài thi toán - tin (gồm môn toán, tin học), khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ), khoa học xã hội (gồm ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) và bài thi ngoại ngữ.
Chưa có quyết định cuối cùng
Tổng hợp các ý kiến thảo luận tại hội nghị, có thể thấy phương án 1 nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Nguyên Bùi Đức Cường đề xuất triển khai phương án 1 từ năm 2015. Lý do bởi cách kiểm tra, đánh giá của phương án này phù hợp với thực trạng dạy - học hiện nay và cũng gần với những công việc mà ngành đã thực hiện, không gây xáo trộn ở các trường và gây áp lực cho HS. Phương án 2, 3 cần phải có thời gian chuẩn bị kỹ cả về cách dạy, cách học và cách thức ra đề.
Bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đề xuất chọn phương án 1 bởi HS các tỉnh miền núi, vùng khó khăn chưa thể tiếp cận được với cách thức thi theo hướng tích hợp như ở phương án 2 và 3. Việc giảng dạy và hướng dẫn HS học và ôn tập theo hướng tích hợp các môn học là một thử thách không nhỏ đối với đội ngũ giáo viên miền núi. Chưa kể, nếu thực hiện kiểm tra, đánh giá HS theo hướng làm bài thi tích hợp sẽ kéo theo nhiều khó khăn ở tất cả các khâu như coi thi, chấm thi, bồi dưỡng giáo viên... Số lượng giáo viên chấm thi cũng sẽ tăng lên do mỗi bài thi cần có nhiều giáo viên chấm. Cùng ủng hộ phương án 1, đại diện Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho rằng, đây là phương án có thể phù hợp trong vòng 3 năm tới và vẫn bảo đảm giảm áp lực cho HS, không gây xáo trộn trong ngành và toàn xã hội. Phương án tổ chức thi các bài thi theo hướng tích hợp các môn thi sẽ phù hợp để triển khai từ sau năm 2017 - khi các nhà trường thực hiện dạy - học tích hợp theo chương trình mới - SGK mới.
Còn TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lại cho rằng phương án 2 phù hợp hơn. Cách ra đề thì có thể điều chỉnh từ từ, ban đầu là theo yêu cầu tổng hợp kiến thức, sau đó sẽ chuyển sang tích hợp nhiều môn thi trong một bài thi. Tuy nhiên, TS Minh không đồng tình với việc cho phép HS được chọn 1 trong 2 bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội, mà đây phải là 2 bài thi bắt buộc, bởi đây là kiến thức nền tảng của mọi HS. Cùng chung lựa chọn này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bùi Đức Long cho rằng, muốn tăng khả năng phân tích, tổng hợp của HS thì phải tổ chức thi theo bài để các nhà trường điều chỉnh cách dạy - học, chứ không nên thi theo môn. Để các nhà trường và HS chuẩn bị chu đáo, đáp ứng được với cách thức kiểm tra đánh giá này thì thời gian triển khai sớm nhất là năm 2016.
Theo nhận định của đại diện Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, cả 3 phương án tổ chức thi đều có nhiều ưu điểm và có thể làm từng bước. Cách thi theo môn ở phương án 1 đáp ứng với thực tế dạy - học hiện tại; phương án 2 có thể triển khai vào năm 2016; sau khi đề thi và việc dạy - học đã triển khai theo hướng tích hợp thì có thể thực hiện phương án 3 vào sau năm 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Nếu đổi mới mà có lợi cho xã hội, gây khó khăn cho ngành giáo dục thì vẫn nên làm. Điều quan trọng không phải là thi môn nào, mà là cần có quyết tâm đổi mới, để dù là kỳ thi gì cũng phải thực hiện một cách quyết tâm, trách nhiệm, trung thực. Theo Phó Thủ tướng, các phương án này không có tổng điểm bao nhiêu, trượt bao nhiêu mà cung cấp cho xã hội một số đo trình độ kiến thức, kỹ năng chung và công khai cho cả nước biết, trên cơ sở đó các trường lựa chọn vào danh sách sơ tuyển, tạo thêm nhiều cơ hội cho HS, nhất là HS nghèo. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh một số yêu cầu với ngành GD-ĐT và các nhà trường - mà theo Phó Thủ tướng không cần đợi có chương trình - SGK mới có thể thực hiện được như giữ gìn kỷ cương, môi trường trong sạch, hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, đánh giá, thu góp... trong các trường phổ thông. Phó Thủ tướng khẳng định: Các nhà trường hoàn toàn có thể làm được điều này bằng lương tâm và trách nhiệm của mình và cần đặt mục tiêu năm sau có chuyển biến rõ hơn năm trước. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.