Giáo dục

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội: Tìm giải pháp nâng tỷ lệ tốt nghiệp

Thống Nhất 26/03/2024 - 07:18

Chiều 25-3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá chất lượng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, bàn giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi năm 2024. Các ý kiến tập trung nhìn nhận những ưu điểm, hạn chế của kỳ thi trước, từ đó thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nâng chất lượng ôn tập phù hợp.

Đây được coi như “hội nghị Diên Hồng” của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô được duy trì trong hai năm qua nhằm bàn giải pháp nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp.

giao-vien-truong-trung-hoc-.jpg
Giáo viên Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập. Ảnh: Nguyễn Quang

Những thông tin cần quan tâm

Năm học 2022-2023, thành phố Hà Nội có 98.642 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,56%, tăng 0,27% so với năm học trước, tăng 11 bậc trong xếp loại toàn quốc (từ xếp thứ 27 lên vị trí thứ 16).

Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Lê Hồng Vũ cho biết, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 có 112 trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn năm trước, chiếm 47,7%. Khoảng cách chất lượng giữa các trường đã thu hẹp đáng kể. Tổng điểm các môn thi tốt nghiệp khối trung học phổ thông đạt 60,3%, tăng 2,5 điểm so với năm trước.

Kỳ thi năm 2023 có 149 trường có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, tăng hơn năm trước 51 đơn vị, song vẫn có tới 53 đơn vị có tỷ lệ thấp hơn mức trung bình của thành phố. Cũng theo ông Lê Hồng Vũ, toàn thành phố có 112 trường có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn năm trước, song nếu so sánh số liệu từ năm 2018 đến năm 2023, vẫn có tới 62 trường không có sự chuyển biến về chất lượng.

Nhận định chung, các trường có tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn mức trung bình của thành phố hoặc không có chuyển biến tích cực về tỷ lệ tốt nghiệp trong nhiều năm liền đều là những trường có điểm đầu vào lớp 10 thấp, ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...

Qua kiểm tra, Sở Giáo dục và Đào tạo nhận định, có khá nhiều trường chưa xây dựng chiến lược rõ ràng, phù hợp với đặc thù để nâng chất lượng ôn tập; việc ôn tập theo hướng cá biệt hóa, đối tượng học sinh chưa hiệu quả. Thực tế, việc tổ chức ôn tập cho những học sinh yếu kém rất khó nếu không có giải pháp phù hợp, không có sự hỗ trợ trách nhiệm từ giáo viên, sự phối hợp sát sao giữa nhà trường và gia đình.

Làm gì để “chống trượt”?

Thống nhất cao quyết tâm nâng chất lượng kỳ thi, từ kết quả của kỳ thi năm trước, đại diện các nhà trường đã chia sẻ giải pháp và hiến kế nâng chất lượng dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 12.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tự Lập (huyện Mê Linh) Trần Thị Hải Châu đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo tập hợp giáo viên cốt cán của các trường để xây dựng ngân hàng đề ôn tập tốt nghiệp bám sát đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Căn cứ ngân hàng đề này và năng lực học sinh, các nhà trường sẽ tổ chức giảng dạy, ôn tập. Đồng thời, nhà trường cũng mong Sở cung cấp nhiều hơn câu hỏi, bài tập lên hệ thống học và thi trực tuyến Hanoi Study để học sinh tự học, tự đánh giá thường xuyên hơn.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa (quận Đống Đa) Cao Thanh Nga, việc học tập, ôn luyện và củng cố kiến thức phải được thực hiện từ lớp 10 chứ không đợi đến lớp 12. Mỗi năm nhà trường có 4 kỳ kiểm tra định kỳ với học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 ở tất cả các môn. Những học sinh có điểm dưới 5 sẽ tham gia lớp học đặc biệt, được nhà trường phân công giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy miễn phí vào cuối giờ học buổi chiều.

Bày tỏ mong muốn các nhà trường sẽ cùng chung tay góp sức để nâng tỷ lệ tốt nghiệp năm nay của Hà Nội cao hơn năm trước, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương chỉ đạo Phòng Giáo dục trung học của Sở tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ, theo dõi, giám sát việc triển khai, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 tại các nhà trường. Chuyên viên phụ trách môn học chủ động cùng với các nhà trường, đặc biệt là các trường có các môn thi đạt kết quả thấp, rà soát, đánh giá chất lượng, hỗ trợ đội ngũ giáo viên dạy lớp 12 xây dựng kế hoạch ôn tập; đồng thời lựa chọn giáo viên giỏi xây dựng, ghi hình bài giảng để tổ chức dạy học trên truyền hình.

Với các nhà trường, ông Trần Thế Cương đề nghị tiếp tục rà soát kết quả tốt nghiệp các năm gần đây, có giải pháp khắc phục hạn chế, nhân rộng những mô hình, kinh nghiệm hay đã vận dụng hiệu quả; tập trung xây dựng hệ thống tài liệu ôn tập phù hợp với đối tượng học sinh; quan tâm hướng dẫn học sinh quy trình, cách thức làm bài thi, nhất là kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm.

“Các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cha mẹ học sinh; biên chế các lớp ôn tập đặc biệt gồm những học sinh có nguy cơ trượt cao, phân công giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy. Ngay từ bây giờ, các nhà trường phải tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ liên quan nhằm tạo khoảng trống trước kỳ thi cho học sinh có thời gian nghỉ ngơi”, ông Trần Thế Cương lưu ý.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên) Lê Văn Dũng:
Ưu tiên các điều kiện tốt nhất cho học sinh

Điểm tuyển sinh lớp 10 của trường thấp, chỉ từ 5,5-5,6 điểm/môn. Nằm trên địa bàn thị trấn nhưng đa số học sinh của trường thuộc các xã vùng nông thôn, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên nhiều phụ huynh chưa sát sao đến việc học của con. Cơ sở vật chất của nhà trường cũng còn nhiều hạn chế. Nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn và đã có chuyển biến. Năm 2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 100%.

Các giải pháp nhà trường đã và đang triển khai là tăng cường sửa chữa cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, ưu tiên phòng học và các điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh lớp 12.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Đức B (huyện Mỹ Đức) Vũ Trí Thức:
Tăng cường học hỏi phương pháp ôn tập cho học sinh

Kết quả tốt nghiệp của trường chưa có sự bứt phá để đạt 100% như mong muốn, nhưng tỷ lệ đã được nâng lên dần qua từng năm, tiếp cận dần với tỷ lệ chung của toàn thành phố. Minh chứng cụ thể là trong 2 năm gần đây, từ 98,7% năm 2022 lên 99,47% năm 2023.

Để nâng dần kết quả tốt nghiệp, hằng năm nhà trường tổ chức rút kinh nghiệm công tác giảng dạy, ôn tập ở từng bộ môn, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục. Đây cũng là thành quả của phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Nhà giáo cùng chia sẻ trách nhiệm” giữa nhà trường với Trường Trung học phổ thông Tây Hồ. Đồng thời, nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên tăng cường học hỏi, vận dụng phương pháp, kinh nghiệm dạy học hay ở đồng nghiệp ở các trường khác.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Giang (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Văn Thành:
Tập trung nâng chất lượng của học sinh có lực học yếu

Năm 2023, điểm đầu vào của trường thấp thứ 2 trong nhóm các trường khu vực huyện Sóc Sơn (30,5 điểm), dù vậy, nhà trường đã có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, xếp thứ 44 của thành phố. Tuy nhiên, chất lượng thi tốt nghiệp môn tiếng anh của nhà trường còn thấp hơn điểm trung bình của thành phố là 1 điểm.

Để khắc phục hạn chế này, nhà trường đã đề ra 5 giải pháp để nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp năm nay. Một trong những giải pháp quan trọng được duy trì từ đầu năm học là tăng cường quản lý nền nếp học sinh, quan tâm sát sao đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có lực học yếu hoặc trung bình yếu…

Minh Khang ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội: Tìm giải pháp nâng tỷ lệ tốt nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.