Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng vệ thương mại: Chưa có giải pháp hiệu quả

Hồng Sơn| 04/05/2018 07:51

(HNM) - Sự tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động xuất - nhập khẩu dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện thông qua một số biện pháp phòng vệ thương mại từ các đối tác quốc tế với doanh nghiệp trong nước ngày càng tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp.


Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến nay đã có 128 vụ phòng vệ thương mại nhằm vào hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Qua thời gian, số vụ việc có xu hướng gia tăng, phức tạp hơn từ nhiều đối tác nhập khẩu quan trọng như Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ... Các mặt hàng của nước ta bị đề xuất áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại rất đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực từ thủy sản, da giày, phụ kiện ngành dệt may đến đinh vít, linh kiện xe đạp... Thực tế này cũng lý giải việc gần đây Chính phủ và Bộ Công Thương rất quan tâm, cảnh báo và nhắc nhở cộng đồng doanh nghiệp theo dõi thị trường quốc tế để có phương án, đối sách ứng phó phù hợp. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ hơn với yêu cầu khắt khe, khó đáp ứng về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc, quy định về xuất xứ...

Về khách quan có thể thấy, do tác động của việc mở cửa thị trường, thực hiện cam kết ưu đãi và cắt giảm thuế quan với hàng hóa giữa Việt Nam và các nước khiến thuế không còn là công cụ để ngăn chặn, hạn chế nhập khẩu như trước nữa. Do đó, các thị trường nhập khẩu sẽ tăng cường sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại là khiếu kiện nhằm giảm mức nhập khẩu hoặc giữ thị phần cho doanh nghiệp chính quốc. Các chuyên gia cũng nhận định, nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại đều xuất phát từ việc các nhà sản xuất tại thị trường nhập khẩu cảm thấy bị đe dọa trước sức cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài cùng loại.

Thực tế cấp bách như vậy, nhưng đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa chủ động đối phó. Nhiều đơn vị thiếu thông tin và kinh nghiệm để tự nắm bắt, hiểu để tìm cách ứng phó; thậm chí còn mang tâm lý e ngại. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp vẫn bị động, không quan tâm thỏa đáng vấn đề này. Đến nay, mới chỉ có khoảng 1/3 tổng số doanh nghiệp thành lập riêng bộ phận chuyên trách về pháp lý; đặc biệt, số đơn vị có nhân sự am hiểu, có thể xử lý, lập kế hoạch và triển khai thực hiện “phản đòn” khi bị đối phương áp biện pháp phòng vệ thương mại lại càng ít. Ngoài ra, doanh nghiệp của ta cũng tỏ ra thiếu chủ động liên kết, tìm kiếm tư vấn hỗ trợ từ phía chuyên gia hoặc hiệp hội ngành hàng. Điều đáng lo ngại nữa là, do eo hẹp về tài chính nên không ít đơn vị không thể chủ động kháng kiện bền bỉ.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, mỗi doanh nghiệp xuất khẩu cần nâng cao ý thức, tự khắc phục những hạn chế của mình cũng như tự giác thực hiện đầy đủ các quy định, yêu cầu của đối tác và thị trường nhập khẩu; có sự phù hợp với thông lệ quốc tế. Cần xác định rõ hội nhập, đẩy mạnh xuất khẩu là đúng đắn, nhưng luôn đan xen giữa thuận lợi và thách thức; từ đó xem xét, giải quyết vấn đề từ ngành hàng cụ thể đến toàn cục.

Về phía Nhà nước, cần theo dõi chặt chẽ biến động trên thị trường quốc tế, nhất là tâm lý, quan điểm của các hiệp hội sản xuất cũng như chính phủ các nước để kịp thời cảnh báo nguy cơ có thể bị kiện, tư vấn cho doanh nghiệp về thủ tục, định hướng xử lý kỹ thuật, địa chỉ cơ quan chức năng cũng như thuê luật sư. Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết, năm 2018 sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan để tăng cường tuyên truyền quy định liên quan, chủ động vận hành cơ chế cảnh báo sớm, hỗ trợ doanh nghiệp phòng, tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng dẫn ứng phó với hành động khiếu kiện bất hợp lý; tập trung vào một số ngành/mặt hàng đang “nóng” như nông sản, thủy sản, thép...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng vệ thương mại: Chưa có giải pháp hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.