Đối ngoại

Đối ngoại Thủ đô Hà Nội: Hội nhập hiệu quả, nâng cao vị thế

Quỳnh Dương 17/01/2024 06:56

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội cùng hậu quả của đại dịch Covid-19 tác động đa chiều tới Việt Nam, công tác đối ngoại của Hà Nội năm 2023 tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô cũng như khẳng định vai trò, vị thế trong khu vực và thế giới.

cac-dai-bieu-tham-quan-trie.jpg
Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh quan hệ Việt Nam - Pháp trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12. Ảnh: Viết Thành

Thúc đẩy hội nhập quốc tế một cách toàn diện

Để bắt kịp xu hướng chủ đạo của thế giới hiện nay là hội nhập và hợp tác đa phương, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai và vận dụng sáng tạo đường lối đối ngoại của Đảng thời kỳ đổi mới gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, theo đó xác định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”, thành phố Hà Nội đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao về công tác đối ngoại, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác để hòa vào dòng chảy của thời đại và nắm bắt những cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại.

Trên cơ sở nhận định và thích nghi với các điều kiện trong và ngoài nước, các hoạt động đối ngoại của Hà Nội hướng tới đảm bảo toàn diện trên 4 trụ cột: Chính trị, kinh tế, văn hóa và đối ngoại nhân dân, bao gồm cả đối ngoại kênh Đảng và chính quyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đề cao hiệu quả thực chất, cân đối nguồn lực, đảm bảo việc duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế cả song phương và đa phương; thúc đẩy hội nhập quốc tế một cách toàn diện, trong đó, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm; đưa các quan hệ hợp tác đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả…

Về ngoại giao chính trị, trong năm 2023, công tác trao đổi đoàn tăng so với năm 2022 do chính sách mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 cùng nhu cầu khôi phục các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế của Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung. Nội dung, chủ đề của các chuyến công tác bám sát mục tiêu chương trình công tác của Thành ủy nhằm tìm hiểu cơ chế, chính sách, chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai tại các nước, tìm kiếm, mở rộng cơ hội hợp tác với các đối tác mới.

Bên cạnh các hoạt động đối ngoại chính trị, thành phố đã lồng ghép tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa quảng bá hình ảnh địa phương tại nước ngoài như Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại tại Pháp tháng 8-2023, Hội nghị xúc tiến đầu tư Hà Nội tại Trung Quốc tháng 9-2023, Chương trình kết nối giao thương tại Lào; Chương trình quảng bá trong khuôn khổ Lễ hội Việt Nam - Hà Nội 2023 tại Fukuoka và Tọa đàm xúc tiến đầu tư Hà Nội - Khu vực Kyushu (tháng 11-2023) tại Nhật Bản.

Đối với các sự kiện đối ngoại lớn, có ý nghĩa chính trị quan trọng, Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội kịp thời ban hành các đề án, kế hoạch, văn bản chỉ đạo làm căn cứ để các đơn vị triển khai thực hiện (Đề án tổ chức Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12, Kế hoạch tổ chức Hội nghị hợp tác Hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 10, kế hoạch kỷ niệm năm tròn, năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước Mông Cổ, Nhật Bản, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Argentina, Australia...). Nhờ đó, các hoạt động đối ngoại lớn đã được tổ chức thành công và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

download.jpg
Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12 là điểm sáng trong công tác đối ngoại của thành phố năm 2023.

Một trong những sự kiện đối ngoại nổi bật trong năm 2023 do Hà Nội chủ trì là Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12 vào tháng 4-2023 với hơn 800 đại biểu tham dự. 15 hoạt động chính thức cùng nhiều sự kiện bên lề vô cùng sôi động, thành công của hội nghị không chỉ để lại dấu ấn đối với các đại biểu Pháp, mà còn là minh chứng cho thấy, Hà Nội là nơi tổ chức nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, đã sẵn sàng trở thành một trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, là nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế, vì nền hòa bình, ổn định và phát triển. Trong lời cảm ơn gửi đến các đơn vị tham gia tổ chức hội nghị, bà Catherine Deroche, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề xã hội và Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt tại Thượng viện Pháp, Trưởng đoàn chính thức các địa phương Pháp đã bày tỏ ấn tượng đối với sự chu đáo, tận tình và hiếu khách của chính quyền, nhân dân Thủ đô. Trưởng đoàn các địa phương Pháp cũng nói rằng, thành công của hội nghị tạo “áp lực” không nhỏ đối với địa phương tiếp theo của Pháp đứng ra tổ chức hội nghị lần thứ 13 về cả mặt tổ chức nội dung và khâu hậu cần đón tiếp.

Trong năm 2023, nhằm đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, góp phần quan trọng thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội đã tích cực và chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế... tăng cường khai thác các dự án hợp tác kinh tế song phương và đa phương. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đơn giản và minh bạch hóa thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt các dự án để từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế.

Ngoài ra, việc xây dựng và triển khai hoạt động đối ngoại của thành phố đặt trọng tâm vào các địa bàn đối ngoại chính trị lớn (các nước có truyền thống hợp tác, cấp độ hợp tác cao như Trung Quốc, Lào), mở rộng các địa bàn đối ngoại kinh tế với các nước có hoạt động và mức độ đầu tư lớn vào địa bàn Hà Nội như Pháp, Mỹ, Anh, Nhật Bản, đồng thời, từng bước mở rộng các địa bàn mới tại khu vực Trung Đông - Châu Phi, Bắc Phi. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thúc đẩy tiến hành các văn bản hợp tác đã ký kết giữa Hà Nội với các địa phương như Viêng Chăn, Bắc Kinh và ký mới các văn kiện hợp tác với các đối tác tiềm năng như Cairo, Quảng Châu. Điều này giúp Hà Nội tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương và đẩy mạnh hợp tác với các đối tác lớn, các địa bàn trọng điểm, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

Nhằm đổi mới công tác quản lý và triển khai thỏa thuận hợp tác quốc tế, thành phố đã quan tâm rà soát và đánh giá toàn bộ các văn bản mà Hà Nội đã ký với đối tác nước ngoài những năm trước, đồng thời, đôn đốc các sở, ban, ngành đẩy mạnh triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực cho các bên, đặc biệt là những thỏa thuận mới đang có hiệu lực.

Với những nỗ lực đã triển khai, năm 2023, Hà Nội thu hút được hơn 2.607 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI), trong đó có 346 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 321,1 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt 17,30 tỷ USD. Trong 11 tháng của năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2022 với 22,6 triệu lượt. Trong số này, khách du lịch quốc tế là 4,1 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Công tác ngoại giao văn hóa, đối ngoại nhân dân cũng được đẩy mạnh với nhiều hoạt động như: Phối hợp với các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và địa phương nước ngoài và các đơn vị khác tổ chức các sự kiện văn hóa quốc tế. Một số sự kiện tiêu biểu như: “Lễ hội văn hóa Pháp (Balade en France)”, sự kiện trưng bày “Hà Nội - khởi đầu một đô thị kiểu phương Tây tại Đông Nam Á”, tổ chức thành công chương trình “Du Xuân hữu nghị năm 2023”, Giao lưu nghệ thuật quốc tế kỷ niệm 56 năm thành lập ASEAN và 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam… Các sự kiện này đã góp phần giới thiệu, quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam, về Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng.

Tiếp tục nâng cao vị thế của Hà Nội trong khu vực và trên thế giới

Năm 2024 được thành phố xác định là năm có ý nghĩa then chốt trong việc thực hiện và hoàn thành mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, góp phần triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, công tác đối ngoại của thành phố năm 2024 đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới tư duy và phương thức thực hiện để thích ứng với tình hình chung của quốc tế và đất nước. Các chương trình công tác phải đảm bảo hiệu quả của quá trình hội nhập quốc tế cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững, không chỉ là đối ngoại với tư cách địa phương, mà còn đóng góp tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại chung của cả nước.

fukuka.jpeg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng đoàn đại biểu thành phố tham quan gian hàng tại Lễ khai mạc “Lễ hội Việt Nam - Hà Nội” 2023 tại Fukuoka (Nhật Bản).

Để tiếp tục đẩy mạnh hội nhập và phát triển, Hà Nội tiếp tục bám sát các nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quán triệt tinh thần chỉ đạo của Hội nghị Ngoại giao và Hội nghị Ngoại vụ 2023; xác định các mục tiêu đối ngoại trong từng lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động đối ngoại sát với thực tế, có tính thống nhất và bổ trợ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác đối ngoại của địa phương, chú trọng hơn đến tính hiệu quả, thực chất, đảm bảo phù hợp với định hướng chỉ đạo của Trung ương và nhu cầu thực tế của từng địa phương; tổ chức các hoạt động đối ngoại có chọn lọc và ưu tiên, phù hợp với thế mạnh của đối tác và tiềm năng, nhu cầu của thành phố cũng như nguồn lực có hạn trong tình hình mới nhằm duy trì một cách tích cực các cam kết quốc tế đã thiết lập; tranh thủ điều kiện thuận lợi để tăng cường hiệu quả, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương và đa phương giữa thành phố Hà Nội với các thành phố/địa phương trên thế giới và các tổ chức quốc tế; tranh thủ nguồn lực của các đối tác để phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong năm 2024, đồng thời, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình mới.

cb1c8304-f5d1-41fd-a45c-6601c23bb660.jpg
Hội nghị hợp tác giữa các tỉnh, thành phố hành lang kinh tế Việt - Trung do Hà Nội đăng cai tổ chức vào tháng 11-2023.

Việc phối hợp xúc tiến nguồn lực, kinh nghiệm của các tổ chức, chuyên gia quốc tế trong xây dựng định hướng, chiến lược của thành phố cũng được chú trọng để hoàn thiện chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, tranh thủ tối đa các điều kiện và nguồn lực nước ngoài phục vụ mô hình tăng trưởng gắn với công nghệ cao, chuyển đổi kinh tế số, xây dựng Hà Nội trở thành đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao.

Bên cạnh việc duy trì và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa bàn và đối tác ưu tiên, đối tác chiến lược, thành phố tiếp tục duy trì và phát huy vai trò tại các diễn đàn quốc tế, qua đó, nâng cao vị thế của Thủ đô trên trường quốc tế.

Một trong những phương hướng, nhiệm vụ tiếp theo của đối ngoại Hà Nội năm 2024 là đẩy mạnh tham gia các liên kết kinh tế quốc tế, nhất là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); xây dựng, triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động, đề án cụ thể để triển khai các chương trình công tác theo Nghị quyết số 30-NQ/TƯ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025…; đẩy mạnh phục hồi du lịch thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết sản phẩm du lịch, nâng cấp chất lượng một số khu, điểm du lịch trọng điểm, triển khai mô hình du lịch thông minh. Xây dựng các sản phẩm, ấn phẩm truyền thông, tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế.

Thành phố cũng chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân, phối hợp triển khai công tác về người Việt Nam ở nước ngoài để tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước cho kiều bào, từ đó, kịp thời ban hành các chính sách ưu đãi của thành phố khuyến khích kiều bào đóng góp xây dựng Thủ đô.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đối ngoại, thành phố tiếp tục quan tâm tới đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức và nguồn nhân lực tại các cơ quan, đơn vị thông qua tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức bằng nhiều hình thức. Song song với đó là chú trọng công tác nghiên cứu, phân tích chiến lược và dự báo xu thế quốc tế, lập cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ cho việc lựa chọn đối tác ưu tiên thích hợp để đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, trong đó lấy đối ngoại kinh tế làm trọng tâm.

Có thể nói, những thành tựu trong công tác đối ngoại của Hà Nội năm qua sẽ tiếp tục là lực đẩy, tạo tiền đề vững chắc để Hà Nội hội nhập quốc tế một cách có hiệu quả, phát huy vai trò và vị thế là “trái tim” của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Những kết quả đã đạt được cùng phương hướng, nhiệm vụ cụ thể đề ra cho năm 2024 cũng sẽ góp phần không nhỏ vào tiến trình hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045, đưa Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới nói riêng, cũng như nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối ngoại Thủ đô Hà Nội: Hội nhập hiệu quả, nâng cao vị thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.