Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phối hợp đấu tranh chống buôn lậu: Công khai vi phạm để tăng tính răn đe

Hương Ly| 10/02/2015 06:58

(HNM) - Giáp Tết Nguyên đán luôn là thời điểm hàng cấm thẩm lậu vào nội địa với quy mô lớn để tiêu thụ.

Bắt giữ một vụ vận chuyển hàng lậu tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Lê Thanh


Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hoạt động này diễn ra phức tạp trên khắp các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Các đối tượng thường lợi dụng chính sách ưu đãi thuế, đầu tư đối với các khu kinh tế cửa khẩu, hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, tạm nhập, tái xuất, gia công đầu tư, hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng xuất khẩu, thậm chí gian lận ngay trong khai báo thủ tục hải quan điện tử… để thực hiện hành vi vi phạm. Các đối tượng thường hoạt động có tổ chức, manh động, liều lĩnh, hình thành các tụ điểm, đường dây vừa vận chuyển vừa tiêu thụ hàng hóa từ biên giới về sâu trong nội địa. Hàng hóa vi phạm là những mặt hàng có giá trị lớn, trong đó có cả hàng cấm như: pháo, ma túy, đồ chơi bạo lực… Để đối phó lực lượng chức năng, bọn chúng thường xuyên sử dụng hóa đơn chứng từ thu gom hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, đưa hàng về tập kết tại các chợ đầu mối thuộc các tỉnh lân cận TP Hà Nội trước khi đưa hàng đi tiêu thụ khắp cả nước.

Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam Nguyễn Quang Đạm cho biết, tính riêng các vụ việc vi phạm liên quan đến xăng dầu, năm 2014, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện xử lý 24 vụ việc với quy mô lớn. Thực tế này cho thấy, nếu không mở rộng hoạt động ngăn ngừa, phòng chống buôn lậu, an ninh kinh tế của quốc gia sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Nguyễn Tiến Lực, mặc dù số vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý nhiều, nhưng việc phối hợp, trao đổi thông tin tội phạm giữa các bộ, ngành, các địa phương, lực lượng chức năng hiện còn nhiều bất cập. Nguyên nhân là do hệ thống chính sách pháp luật còn chồng chéo, có nhiều văn bản quy định không còn phù hợp, cần sớm sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc cho rằng, các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thấy rõ sự quyết liệt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu. Trong đó, mỗi lực lượng đều chủ động khi phát hiện bắt giữ từng vụ việc, cũng như công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mỗi phương thức, thủ đoạn khi được đăng tải đều đem lại hiệu quả tích cực, có sức mạnh răn đe. Kết quả này thể hiện sự chuyển biến rõ nét trong công tác đấu tranh chống buôn lậu.

Tuy nhiên, để đấu tranh có hiệu quả, bên cạnh công tác trinh sát nắm tình hình địa bàn đòi hỏi lực lượng hải quan phải bám sát các thông tin trên hệ thống. Cơ quan hải quan sẵn sàng cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng. Ngược lại, lực lượng này kiến nghị các cơ quan như: ngân hàng, công an, giao thông… cung cấp những thông tin về thanh toán, tội phạm, hành khách và phương tiện để hải quan có đầy đủ thông tin, phân tích thông tin, tập trung đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả hơn. Điều đó đòi hỏi Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến chế độ chính sách, cơ chế… nhằm hỗ trợ lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phối hợp đấu tranh chống buôn lậu: Công khai vi phạm để tăng tính răn đe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.