Kinh tế

Mỹ dự kiến áp thuế 20%: Doanh nghiệp tin thách thức nhiều song cơ hội cũng không ít

Vĩnh Hà - Thanh Hương thực hiện 03/07/2025 16:16

Sau cuộc điện đàm trực tiếp giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump và việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trên mạng xã hội về thỏa thuận thương mại với Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp có chung nhận định lạc quan về cơ hội.

Song những thách thức đặt ra cũng không nhỏ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải hình thành chuỗi cung ứng, cắt giảm tối đa chi phí để tăng tính cạnh tranh, đồng thời đa dạng hóa thị trường để giữ vững tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.

chu-dong-thich-ung-voi-chien-tranh-thuong-mai-...png
Mức thuế mới dự kiến với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tạo nhiều thách thức đi liền với cơ hội.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong:

Khởi đầu cho việc ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ

nguyen-minh-phong.jpg

Theo thông tin được Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trên mạng xã hội về thỏa thuận thương mại với Việt Nam, có thể thấy có 3 mức thuế sẽ được áp dụng với hàng hóa Việt Nam.

Đó là mức 10% với sản phẩm chứng minh được 100% nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam; 20 % với hầu hết sản phẩm khác và 40% với hàng hóa trung chuyển.

Đây là cái kết khá thuận sau nhiều phiên đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là các cuộc điện đàm trực tiếp giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Từ đây sẽ khởi đầu cho vấn đề lớn hơn là tiến tới Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ ký kết Hiệp định thương mại song phương công bằng và bền vững hơn.

Mức thuế này theo tôi vẫn có thể tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác song cũng ảnh hưởng tới một số ngành nghề, trong đó lĩnh vực dệt may có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do mức độ nội địa hóa nguyên phụ liệu chưa cao.

Để thích ứng và khắc phục những rào cản, theo tôi doanh nghiệp cần tái cơ cấu chuỗi cung ứng để giảm tỷ lệ hàm lượng nước ngoài, từ đó giảm mức thuế, đồng thời rà soát và giảm thiểu các chi phí để cân bằng lợi nhuận với mức thuế mới.

Các doanh nghiệp cũng nên thương lượng với đối tác nhập khẩu Mỹ để chia sẻ một phần rủi ro. Về lâu dài, doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường, không chỉ phụ thuộc vào Mỹ, để giảm thiểu rủi ro. Trong bối cảnh hiện nay các cơ quan chức năng cần lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và hỗ trợ họ vượt qua thách thức trước mắt.

Ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải - người sáng lập thương hiệu OIC NEW:

Mức thuế có lợi cho hàng hóa 100% Made in Vietnam

ongluu-hai-minh.jpg

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông tin về thỏa thuận thương mại với Việt Nam trên mạng xã hội và đặc biệt là cuộc điện đàm tối qua giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, là doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chúng tôi rất phấn khởi.

Nếu các mức thuế được chính thức áp dụng, nhất là sản phẩm chứng minh được 100% nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam, thì thuế có thể giảm còn 10%, sẽ tạo lợi thế lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm “Made in Vietnam”.

Ở chiều ngược lại, nếu mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ về 0 cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng nhập khẩu thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất kinh doanh từ đó nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bên cạnh nhiều giải pháp đã được áp dụng thời gian qua nhằm bảo đảm xuất khẩu ổn định sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp sẽ tìm hiểu kỹ các thông tin, lĩnh vực chịu thuế để có giải pháp thích ứng.

Đặc biệt để có thể đạt mức thuế 10% khi chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố chuỗi cung ứng ổn định, phát triển vùng nguyên liệu đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa để tăng tính cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ.

Giám đốc điều hành Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi) Nguyễn Quang Huy:

Bước khởi đầu cho giai đoạn hội nhập chất lượng cao, sâu rộng và chủ động

chuyen-gia-kinh-te-quang-huy.jpg

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng Bí thư Tô Lâm đã đánh dấu việc hai quốc gia đạt được một thỏa thuận thương mại song phương đầy chiến lược. Theo đó, Việt Nam sẽ chịu mức thuế 20% với hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào Hoa Kỳ và 40% với hàng hóa trung chuyển qua nước thứ ba.

Mức thuế 20%, nếu được áp, thấp hơn rất nhiều so với mức 46% Mỹ công bố và cũng thấp hơn mức 40% đang được cho là sẽ áp với hàng hóa trung chuyển. Cũng phải nói rằng, dù mức thuế 20% tuy chưa phải là thấp song so với các đối thủ bị đánh thuế 40%, thì doanh nghiệp Việt vẫn có lợi thế cạnh tranh rõ rệt.

Thỏa thuận này, trong một cái nhìn sâu xa, là sự thừa nhận rõ ràng của Hoa Kỳ về năng lực sản xuất thực chất và minh bạch của Việt Nam, là bước khởi đầu cho một giai đoạn hội nhập chất lượng cao, sâu rộng và chủ động.

Thỏa thuận thương mại cũng mở ra hành lang xuất khẩu ổn định, dài hạn vào Mỹ - thị trường tiêu dùng lớn và khắt khe nhất thế giới. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đa dạng hóa danh mục thị trường và sản phẩm xuất khẩu, để tránh phụ thuộc quá mức và phòng ngừa rủi ro.

Trong bối cảnh kiểm soát xuất xứ ngày càng chặt, các doanh nghiệp phải chủ động nâng tỷ lệ nội địa hóa từ 60% lên tiệm cận 100% trong một số lĩnh vực. Đây không chỉ là biện pháp phòng vệ thương mại, mà còn là con đường để hình thành hệ sinh thái sản xuất độc lập, bền vững và tinh hoa.

Các cơ quan đàm phán tiếp tục đóng vai trò trong việc rà soát, kiến nghị và thương thảo để điều chỉnh mức thuế xuống mức tối ưu hơn nữa, đồng thời củng cố vị trí pháp lý vững chắc cho hàng Việt.

Chính phủ cần tăng tốc triển khai chính sách hỗ trợ FDI chất lượng cao, ưu tiên các dự án có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững. Cơ chế hợp tác công-tư, mô hình cụm liên kết ngành và trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cần được nâng lên tầm chiến lược.

Có thể nói, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là một sự kiện ngoại giao-kinh tế, mà là một cột mốc để xác lập vai trò mới của Việt Nam trên bản đồ toàn cầu: Từ quốc gia sản xuất gia công sang quốc gia sản xuất thông minh, nền kinh tế có bản sắc; từ "người tham gia" sang "người định hình cuộc chơi".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ dự kiến áp thuế 20%: Doanh nghiệp tin thách thức nhiều song cơ hội cũng không ít

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.