Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế không phụ thuộc vào khai khoáng

Bảo Hân| 02/11/2017 11:52

(HNMO) - Cuối phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước trong sáng nay (2-11), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã phát biểu tiếp thu và làm rõ các vấn đề đại biểu nêu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.


Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong suốt 2,5 ngày thảo luận tại hội trường, các đại biểu đã phát biểu sâu sắc, rất cần sự tiếp thu của chính phủ và các thành viên chính phủ.

Đó là những vấn đề liên quan đến tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công; đầu tư quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là giao thông; cơ cấu lại các ngành kinh tế, trong đó có cơ cấu lại các DN nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước; nợ công và sử dụng vốn vay; vấn đề liên quan đến phòng chống thiên tai, bảo vệ rừng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; sắp xếp bộ máy hành chính, y tế, văn hoá, giảm nghèo, tai nạn giao thông, chốn gtham nhũng, lãng phí và ứng xử với người dân...

Các vấn đề này đã được các được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và 6 thành viên khác của Chính phủ giải trình một số nội dung cụ thể.

Phát biểu làm rõ và nhấn mạnh thêm về tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7% bên cạnh thuận lợi còn không ít khó khăn, đặc biệt là thiên tai xảy ra liên tiếp, diễn biến phức tạp.

Chính phủ đã chỉ đạo tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm huy động tối đa nguồn lực bên trong bên ngoài cho đầu tư phát triển. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đồng hành cùng DN và người dân để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Theo đánh giá của diễn dàn kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng được 5 bậc. Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam và dự kiến năm 2018 sẽ tăng 14 bậc, ở vị trí 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ...

"Đó là những tín hiệu mừng của môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển của Việt Nam. Vì sao Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn kiên định đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%? Vì tốc độ tăng trưởng như vậy để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. góp phần bảo đảm an toàn nợ công, tạo ra nhiều việc làm, thu ngân sách tăng, bảo đảm các mục tiêu chi và đầu tư xây dựng, từng bước giảm bội chi, đời sống người dân được cải thiện. Mặc khác tăng trưởng cao hơn giúp nước ta mới rút ngắn được khoảng cách so với các nước trên thế giới" - Phó Thủ tướng  nhận định và lý giải.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản cho từng quý, từng ngành, từng sản phẩm; rà soát cụ thể với 31 sản phẩm chủ lực, có giá trị hơn 1 tỷ USD cho phát triển kinh tế; yêu cầu các bộ quản lý ngành kinh tế tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, xây dựng.

Kết quả, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực, ước cả năm đạt 6,7%, nhờ tăng trưởng cao và khá đồng đều ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp xây dựng và dịch vụ, góp phần giảm nhập siêu và đã xuất siêu 1,23 tỷ USD, trong đó rau củ quả tăng 42,7%; thiết bị máy tính tăng 38,8%; máy móc thiết bị phụ tùng tăng trên 28%...

Tổng đầu tư xã hội tăng hơn so với cùng kỳ, đạt gần 34% GDP, đồng đều ở các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm của nền kinh tế.

"Đặc biệt, đây là lần đầu tiên nền kinh tế nước ta tăng trưởng không phụ thuộc vào ngành khai khoáng. Đó là sự tăng trưởng tích cực, chất lượng lượng tái cơ cấu nền kinh tế đạt được kết quả ban đầu quan trọng" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu thêm một số khía cạnh thể hiện chất lượng tăng trưởng còn thấp như hiệu quả đầu tư chưa cao, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, trong dịch vụ còn ít, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; năng suất lao động ở nhiều ngành còn thấp; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng phù hợp chậm, lúng túng ở nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương.

Từ đó, Chính phủ đã và đang sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tăng trưởng hợp lý ở các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, đặc biệt tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ,

Đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến các lĩnh vực tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn như đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế phí, ngân sách...;

Rà soát điều chỉnh bổ sung các chiến lược quy hoạch ngành, sản phẩm; yêu cầu các quy hoạch không giới hạn địa giới hành chính mà liên kết vùng; gắn quy hoạch với tái cấu trúc lại các ngành, sản phẩm phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, địa phương; gắn quy hoạch với ứng phó với biến đổi khí hậu, với thị trường, đặc biệt là với những sản phẩm xuất khẩu, lấy thị trường thế giới làm mục tiêu nhưng coi trọng thị trường nội địa.

"Một mặt chúng ta mở rộng thị trường quốc tế, giữ vững thị trường truyền thống nhưng phải tổ chức lại thị trường nội địa, chú ý đến thị trường bán lẻ; xác định lộ trình cơ cấu vốn đầu tư khoa học, tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển mạnh doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội" - Phó Thủ tướng nêu.

Phát biểu tóm lược kết thúc nội dung thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết trong 2,5 ngày thảo luận đã có 94 đại biểu phát biểu ý kiến, 27 đại biểu tham gia tranh luận, Phó Thủ tướng Chính phủ và 6 thành viên khác của chính phủ là Bộ trưởng các Bộ Tài nguyên Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; và Y tế đã tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan. 

Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, mang tính xây dựng. Các ý kiến phong phú, đa dạng, khá sâu sắc và toàn diện. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong thực hiện; biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã vượt qua khó khăn để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tạo tiền đề quan trọng trong các năm tiếp theo.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế không phụ thuộc vào khai khoáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.