"Không để lợi ích nhóm xen vào đây"
Vấn đề lợi ích nhóm được Phó Thủ tướng Chính phủ nhắc tới không chỉ một lần trong buổi họp sáng nay. Không chỉ nói chung về chính sách thu, chi, Phó Thủ tướng còn nhấn mạnh vấn đề này trong công tác miễn, giảm, giãn thuế.
"Không để lợi ích nhóm xen vào đây", Phó Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở ngành tài chính.
Vấn đề này theo Phó Thủ tướng Chính phủ cần giám sát chặt chẽ từ khâu xây dựng thể chế tới lúc thực thi. Ông khẳng định, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan khác như Bộ Tư pháp sẽ kiểm soát nghiêm ngặt vấn đề này.
Nói về tiến độ thu ngân sách hiện tại, Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian gần đây đang xuất hiện tình trạng thu ngân sách Trung ương cứ hụt nhưng ngân sách địa phương thì thu khá. Với năm nay, 6 tháng đầu năm theo báo cáo, thu ngân sách mới đạt 47% dự toán trong đó thu của Trung ương chỉ đạt 42% dự toán, thu địa phương là 57%.
Vấn đề được Phó Thủ tướng nêu lên rà soát lại cách lập dự toán hiện tại. "Căn nguyên là xây dựng dự toán," Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng, việc lập dự toán với từng địa phương phải dựa trên cơ sở dữ liệu kinh tế xã hội. Với cách tính dự toán hiện tại theo Phó Thủ tướng chỉ căn cứ vào số thu năm nay và một số yếu tố như lạm phát, tăng trưởng để "bấm nút" dự toán thu năm sau thì khó thúc đẩy các nơi.
"Giao ngân sách kiểu này thì tỉnh nào cũng tìm cách tăng thu, phá vỡ vấn đề quy hoạch nhất là liên kết vùng", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lên tiếng.
Vấn đề này theo Phó Thủ tướng "tất nhiên là khó" nhưng nên thí điểm từ ngay năm 2017. Cách tính dựa vào cơ sở dữ liệu kinh tế xã hội được Phó Thủ tướng nhận định là sát với thực tiễn.
"Có tỉnh năm sau dự toán thu tăng 20%, 30% so với năm trước nhưng có tỉnh chỉ tăng vài phần trăm thôi, có tỉnh chả cần tăng", Phó Thủ tướng nói.
Sẽ hoàn thành dự toán thu?
Lên tiếng về tiến độ thu ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, nguy cơ hụt thu ngân sách Trung ương "còn đang lớn".
Theo Bộ trưởng, giá dầu giảm cùng tác động của việc thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do là một vài nguyên nhân của tình trạng trên.
Tuy nhiên, trước Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, ngành tài chính sẽ hoàn thành dự toán thu năm nay. Theo Bộ trưởng, ngành tài chính đã họp với 13 địa phương có điều tiết thu về Trung ương và cùng chỉ ra "từng món, từng miếng" có thể triển khai thu.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết đã giao chỉ tiêu tăng thu thêm với riêng 13 địa phương này với tổng số tiền là hơn 58.000 tỷ đồng (không kể tiền sử dụng đất).
"Tổng thu ngân sách năm nay sẽ vượt dự toán như năm ngoái", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng dự đoán.
Một vấn đề khác được Bộ trưởng Bộ Tài chính nhắc nhở là chi ngân sách phải thực hiện tiết kiệm và đặc biệt là "theo khả năng".
Vấn đề này cũng được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhắc nhở trước đó. Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh không đạt chỉ tiêu thu năm nay thì phải giảm chỉ tiêu chi tương ứng. Điều này theo Phó Thủ tướng để tránh trường hợp có dự toán chi từ đầu năm rồi cứ chi, tới lúc bội chi tăng lên vì thu không đủ như dự toán đầu năm lại "chạy về Trung ương thì không có đâu mà bù".
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc giảm các khoản chi không cần thiết. Việc này được ông khẳng định là còn nhiều dư địa để tiết kiệm như các khoản khánh tiết, lễ hội, đi công tác nước ngoài,.../.
Theo báo cáo 6 tháng của Bộ Tài chính, số thu ngân sách sau nửa năm ước đạt 476.800 tỷ đồng, bằng 47% dự toán. Số thu trên chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này thấp nhất so với 2 năm trở lại đây. Về chi ngân sách, con số này sau 6 tháng là 562.500 tỷ đồng, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015. Bội chi ngân sách Nhà nước qua tính toán ở mức 85.600 tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.