(HNM) - Phố Lương Yên tuy nhỏ nhưng luôn có mật độ giao thông đông đúc vì đây là tuyến đường nối giữa đê Trần Khát Chân và đê Nguyễn Khoái, cũng là đường dẫn tới các tuyến giao thông lớn như Trần Khát Chân - Lò Đúc, Kim Ngưu.
Bếp than, tủ hàng bày ngay dưới lòng đường. |
Cơ sở hạ tầng chật hẹp là vậy, nhưng lâu nay trên phố này vẫn tồn tại một chợ thực phẩm ngay trên mặt đường. Từ ngõ 92 phố Lương Yên đến ngã ba Lương Yên - đê Trần Khát Chân, sạp, bàn, tủ bày đủ thứ từ rau xanh, quả tươi, gà vịt sống nguyên con hoặc đã sơ chế, cá đang bơi trong chậu nước... được bày ngay trên mặt đường. Buổi sáng, các hàng bún, xôi, phở bắc bếp, đặt nồi đun nấu, xếp bàn ghế cho thực khách ngồi thoải mái trên mặt đường. Từ 15h, trứng vịt lộn, cháo, bún... cũng được bày bán ngang nhiên. Ngay trên mặt bằng ngã ba Lương Yên - Trần Khát Chân, nhiều bàn gỗ, xe lưu động gắn tủ bán hàng được dựng ngay dưới lòng đường. Quầy bán thức ăn đã chế biến còn bày thêm một lò than. Điều đáng nói, các "quầy hàng" này không hề có vẻ tạm bợ như người kinh doanh ở các chợ cóc, chợ tạm khác. Họ thoải mái kê bàn ghế, tủ sạp, dựng cọc chăng bạt, che ô. Người bán đã vậy, người mua cũng thản nhiên dừng, đỗ xe máy trước bất kỳ quầy hàng nào để chọn, mặc cả, cân đo, bất chấp đằng sau họ cả một dòng phương tiện giao thông đang bị tắc nghẽn. Trên đoạn phố Lương Yên này còn có Trường THCS và Tiểu học Lương Yên. Vào giờ học sinh đi học và tan lớp, tình trạng giao thông càng hỗn loạn.
Giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 là thời gian cao điểm của quá tải phương tiện giao thông lưu thông trên các tuyến phố Hà Nội. Đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp quản lý, lập lại trật tự trên phố Lương Yên, không để tiếp diễn tình trạng ngang nhiên biến đường thành chợ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.