Đường dây nóng

Tái diễn những vi phạm về trật tự đô thị

Nhóm Phóng viên 23/12/2023 - 06:35

Với quyết tâm cao, Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 (ngày 15-2-2023) tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.

Tuy nhiên, sau khi chiến dịch ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm kết thúc, tình trạng vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để buôn bán kinh doanh lại tiếp diễn tại nhiều khu vực.

vi-pham.jpg
Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh tại ngõ 15 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy).

Chuyển biến nhưng không bền vững

Còn nhớ, dịp đầu năm 2023, nhiều người dân không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh những tuyến đường, ngõ trên địa bàn thành phố trở nên quang đãng, sạch, đẹp như “chiều 30 Tết”. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của lực lượng chức năng, chính quyền các cấp, tình trạng hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, phương tiện dừng đỗ bừa bãi khắp các tuyến phố… cơ bản được xử lý, văn minh đô thị có sự chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, sau chiến dịch ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm (từ ngày 1-3 đến 31-3-2023), tại nhiều địa phương, tình trạng vi phạm về trật tự đô thị, an toàn giao thông, trật tự công cộng lại dần tái diễn.

Tại quận Hoàng Mai, trên phố Đại Từ (phường Đại Kim), từ sáng sớm người buôn bán nhỏ, hàng rong đã đổ về tụ họp, kinh doanh, biến cả tuyến phố thành khu “chợ” bất đắc dĩ, gây cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường khu vực. Còn ở các tuyến đường Tam Trinh, Mai Động (phường Mai Động), cứ vào chiều tối là vỉa hè biến thành nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán hàng hóa…

Tương tự, tại quận Cầu Giấy, vi phạm trật tự đô thị diễn ra tại nhiều tuyến đường, nơi tập trung các cơ quan, công sở. Dọc tuyến đường Đồng Bông, Cốm Vòng, ngõ 15 phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu), xe ô tô nối đuôi nhau thành hàng dài ở cả hai chiều đường; vỉa hè và lề đường gần như bị các cửa hàng kinh doanh chiếm dụng khiến người đi bộ chỉ còn cách duy nhất là… đi xuống lòng đường. Còn ở quận Bắc Từ Liêm, các tuyến phố Xuân La, Phạm Văn Đồng, Hoàng Công Chất, Xuân Đỉnh… thường xuyên là “điểm nóng” về tình trạng vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè…

Cần giải pháp từ gốc

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội, dù có nhiều chuyển biến về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, song chưa bền vững.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có cả nguyên nhân từ sự bất cập về hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Tại khu vực phố cổ, phố cũ, lòng đường và vỉa hè đều rất hẹp, nhiều tuyến phố như Lương Văn Can, Hàng Buồm, Bát Đàn… vỉa hè không đủ chỗ dựng xe máy; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh gần như không có, không đáp ứng được nhu cầu để xe của người dân. Mặt khác, lực lượng chức năng vẫn có tâm lý e ngại trong xử lý vi phạm, khi lâu nay vỉa hè, lòng đường là nơi mưu sinh của một bộ phận người dân.

Về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) Bùi Chí Thanh, do đặc thù địa bàn phường tậptrung nhiều cơ quan, công sở, mật độ người và phương tiện giao thông luôn ở mức cao nên tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi dừng đỗ ô tô, chiếm hè phố phục vụ kinh doanh buôn bán, đi bộ tràn xuống lòng đường… thường xuyên diễn ra. Trong khi đó, cán bộ quản lý trật tự đô thị phường quá mỏng, chỉ có 1 người duy nhất, lại phải kiêm nhiệm xử lý nhiều công việc cùng lúc. Lực lượng Công an phường cũng chỉ có 5-6 cán bộ phụ trách chung về trật tự đô thị và an toàn giao thông, do đó việc bố trí ứng trực thường xuyên để xử lý vi phạm là không thể.

“Để xử lý vấn đề này, trước tiên cần nâng cao ý thức chấp hành quy định của chính người dân. Nếu ai cũng giữ tâm lý coi vỉa hè trước nhà mình là “của riêng”, mặc sức bày biện theo nhu cầu thì cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ khó có hồi kết”, ông Bùi Chí Thanh nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) Vũ Huy Khiêm, để vừa giữ được vỉa hè, vừa bảo đảm sinh kế cho người dân, thành phố Hà Nội nên sớm nghiên cứu việc cho thuê vỉa hè tại các tuyến phố có vỉa hè rộng từ 5m trở lên. Khi đó, phần vỉa hè sẽ được kẻ vạch, một phần diện tích dành cho người đi bộ, phần còn lại cho phép kinh doanh một số mặt hàng theo quy định, dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Nhìn từ góc độ quy hoạch đô thị, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để giải quyết vấn đề từ gốc, cần quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng vỉa hè ngay từ khi lập quy hoạch, thiết kế đô thị tại từng tuyến đường, tuyến phố.

Bên cạnh đó, nhằm hạn chế tối đa tình trạng lấn chiếm vỉa hè, hè phố, có thể thiết kế vỉa hè gắn với hệ thống cây xanh, bồn hoa, vừa tạo cảnh quan đô thị, vừa ngăn cách tạo lối đi riêng dành cho người đi bộ, hạn chế tình trạng bày bán hàng hóa trên vỉa hè.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái diễn những vi phạm về trật tự đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.