Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm “chất” cho phố đi bộ

Tiến Thành| 06/06/2023 06:16

LTS: Bên cạnh mục đích phát triển kinh tế đêm, các khu phố đi bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội còn là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng, giúp gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của Thủ đô. Việc quan tâm xây dựng, mở rộng không gian đi bộ kết hợp kinh doanh dịch vụ, biểu diễn nghệ thuật là hướng đi phù hợp, nhưng cần có cơ chế, chính sách nhằm tạo được “chất” riêng để thu hút du khách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Báo Hànộimới xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài: “Tìm “chất” cho phố đi bộ”.

Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thu hút người dân và du khách trải nghiệm cuối tuần. Ảnh : Tố Linh

Bài 1: Thừa lượng, thiếu chất

(HNM) - Thực tế cho thấy, việc phát triển không gian phố đi bộ vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự hình thành “lực đẩy” phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói chung và tạo không gian văn hóa nói riêng. “Sao chép” mô hình nhưng không tạo ra được nét đặc trưng riêng sẽ dẫn đến tình trạng thừa lượng, thiếu chất.

Điểm nhấn thu hút du khách

Khu vực nội thành Hà Nội hiện có 4 không gian đi bộ đang hoạt động, bao gồm: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (quận Hoàn Kiếm); phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình); không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận (quận Hai Bà Trưng).

Trong 4 tuyến phố đi bộ kể trên, các tuyến thuộc quận Hoàn Kiếm có lợi thế vị trí trung tâm và hình thành từ lâu nên thu hút đông đảo người dân và du khách. Với khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình thì mục tiêu chính không phải là tạo ra phố đi bộ mà nhằm hỗ trợ việc kinh doanh ẩm thực, phát huy giá trị các danh thắng, di tích, tạo nên không gian văn hóa tại đây.

Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, khi thành lập phố đi bộ, quan điểm của quận là không thể đưa nguyên 100% một mô hình phố đi bộ đã thành công để áp dụng cho các trường hợp mới mở. Mỗi không gian đi bộ cần có những đặc trưng, nét hấp dẫn riêng. Việc đi bộ chỉ là một yếu tố kết hợp nhằm hỗ trợ, tạo điểm nhấn, phong cách, “chất” riêng cho khu phố ẩm thực.

Với cách làm ấy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) Nguyễn Dân Huy cho biết, bình quân mỗi ngày, khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã đón 3.000 lượt du khách, trong đó lượng du khách là người nước ngoài tăng gần gấp đôi so với trước khi triển khai khu phố ẩm thực.

Khai trương cùng thời điểm với khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận cũng tạo lập được phong cách riêng để thu hút du khách. Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, hằng tuần, không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có quy mô khác nhau, với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động nghệ thuật.

Cách xa khu vực nội thành, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) thu hút du khách trong và ngoài thành phố bằng những buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật tại các điểm sân khấu xung quanh thành cổ. Các hoạt động được tổ chức đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng, từ thanh thiếu nhi cho đến người cao tuổi. Tuyến phố đi bộ này cũng được kết nối với các điểm du lịch xung quanh như Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Làng cổ Đường Lâm, các khu nghỉ dưỡng ở khu vực huyện Ba Vì… để đa dạng hoạt động và thu hút du khách.

Biểu diễn nghệ thuật tại phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây).  Ảnh: Quang Thái

Còn bất cập, thiếu đồng bộ

Tuy nhiên, các tuyến phố đi bộ trong khu vực nội thành cũng phát sinh một số bất cập về hạ tầng, giao thông trong quá trình hoạt động.

Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy cho biết, tại khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, việc hạ ngầm hệ thống cáp điện, cáp viễn thông theo kế hoạch phải triển khai trong quý I-2023, nhưng đến nay chưa được thực hiện, do đó hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, việc kết nối các tuyến giao thông cũng là vấn đề khiến khu phố chưa thu hút lượng du khách thường xuyên. Bà Nguyễn Thị Minh (phố Nguyễn Khắc Hiếu, phường Trúc Bạch) cho rằng, cần tăng cường phương tiện công cộng để đưa đón khách du lịch thuận tiện hơn nữa. Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng chưa thực sự được kiểm soát, đơn cử như vụ việc nhà hàng Lẩu Hương Mực (số 33 phố Châu Long, phường Trúc Bạch) bị tạm đình chỉ hoạt động để phục vụ công tác kiểm tra sau phản ánh của du khách về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, vào tháng 4-2023 vừa qua.

Hoạt động từ năm 2018, phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã phải tạm dừng hoạt động 2 lần do vắng khách. Nguyên nhân của tình trạng này, bên cạnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho rằng, phố đi bộ này xa trung tâm, thiếu hoạt động vui chơi, không gắn liền với các di tích lịch sử, loại hình kinh doanh dịch vụ đơn điệu, dù cảnh quan đẹp.

Còn Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, phố đi bộ Trịnh Công Sơn mở cửa lại từ tháng 5-2022 sau thời gian tạm ngừng vì dịch bệnh. Từ đó đến nay, lượng khách đến phố đi bộ vào ban ngày gần như không có, chiều tối có gia tăng nhưng không đáng kể. Quận Tây Hồ có chủ trương để phố đi bộ này hoạt động hết năm 2023 sẽ tạm dừng, tu bổ, sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục.

Khi mới đi vào hoạt động, phố đi bộ Trịnh Công Sơn được kỳ vọng trở thành không gian văn hóa đặc sắc, sân khấu cho nghệ thuật chèo, dân ca... mỗi dịp cuối tuần. Nhìn nhận thực tế có thể thấy, các hoạt động văn hóa dân gian, sự kiện chính trị - xã hội tổ chức ở phố đi bộ sẽ rất khó thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, đặc biệt là người trẻ. Trong khi đó, giới trẻ tập trung vui chơi và chiếm số lượng không nhỏ trong tổng số khách, vì vậy khi tổ chức hoạt động tại tuyến phố đi bộ cũng cần quan tâm đến nhu cầu của đối tượng này. Đây đều là những vấn đề các địa phương cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng phương án phù hợp để tiếp tục hình thành những tuyến phố đi bộ tiếp theo, bảo đảm “lượng” phải đi đôi với “chất”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm “chất” cho phố đi bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.