(HNM) - Với sự ra đời của hàng loạt không gian đi bộ, ẩm thực, dịch vụ, cùng những tour du lịch đêm thời gian gần đây cho thấy, Hà Nội đang chủ động khai thác lợi thế từ các mô hình này để thúc đẩy kinh tế đêm phát triển; đồng thời cũng xem xét cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển kinh tế đêm, trong đó có loại hình phố đi bộ, với tinh thần “lượng” đi đôi với “chất”.
Chủ động khai thác lợi thế
Chỉ tiêu “Phát triển, mở rộng 3-5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ” là một trong 4 chỉ tiêu đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành của Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025”. Cụ thể, thành phố đã hoàn thành 4 không gian, tuyến phố đi bộ: Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 - Bitexco; không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây); không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận (quận Hai Bà Trưng); khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình). Đồng thời, thành phố tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành: Khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ hồ Ngọc Khánh; tuyến phố văn hóa, ẩm thực Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông...
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho rằng, kinh tế ban đêm là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô nói chung sau đại dịch Covid-19. Về lâu dài, lĩnh vực này có nhiều tiềm năng phát triển, mang lại nguồn thu lớn, góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho người dân thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiên cứu triển khai Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố”; đồng thời chỉ đạo UBND quận Hoàn Kiếm khẩn trương hoàn thành Đề án thí điểm mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn quận. Đối với quận Hoàn Kiếm, Đề án hoạt động kinh tế ban đêm tập trung vào các lĩnh vực: Dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; dịch vụ ăn uống; dịch vụ mua sắm; dịch vụ chăm sóc sức khỏe; các hoạt động du lịch..., với những không gian tạo động lực phát triển, gồm: Khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian đi bộ trong khu phố cổ; không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu; tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ... Cùng với phát triển về số lượng, quận đặc biệt chú ý đến chất lượng của các không gian để bảo đảm sự phát triển bền vững.
Tìm nét mới lạ, “hút” du khách
Ủng hộ việc mở các phố đi bộ tại Hà Nội, tuy nhiên Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần tìm nét mới lạ “hút” du khách. Trong đó, cần có chủ đề nhất định, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, nói cách khác là phải có sự khác biệt, nét đặc trưng riêng để hấp dẫn du khách; tạo ra các dịch vụ thương mại phù hợp với nhu cầu của người dân; đáp ứng được nhu cầu dạo chơi thư giãn kết hợp với nhu cầu thưởng thức văn hóa của du khách.
Khẳng định, khu vực kinh tế ban đêm đã hiện diện từ lâu, là một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế - xã hội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, việc tổ chức hoạt động kinh tế đêm cần tập trung ở những khu vực, địa bàn có tiềm năng lớn về phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch. Thành phố sẽ quy hoạch không gian xây dựng cho hoạt động về đêm (khu vực chợ đêm, khu vực trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống Hà Nội, tổ chức phiên chợ quà tặng lưu niệm thủ công mỹ nghệ Thủ đô...). Cùng với đó là quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm; ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý vi phạm.
Có thể khẳng định, Hà Nội có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhờ có nhiều điểm tham quan, sản phẩm truyền thống, có phố cổ gắn với những món ăn đường phố nổi tiếng… Mỗi quận đều có thể chọn, xây dựng không gian phát triển kinh tế ban đêm phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là cần có định hướng, tìm được “chất” và cách tổ chức nền nếp, quy củ cho hoạt động kinh tế đêm, trong đó có mô hình phố đi bộ. Bên cạnh đó là thay đổi nhận thức của các hộ kinh doanh về bảo đảm văn minh thương mại, trật tự đô thị, hài hòa lợi ích giữa hộ kinh doanh và xã hội.
Sau 7 năm hoạt động, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đón 2,5 đến 3,5 vạn du khách/ngày; thời điểm lễ, Tết, con số này tăng lên 4 đến 5 vạn du khách/ngày. Sau một năm, tại phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, trung bình mỗi buổi tối hoạt động thu hút gần 1 vạn du khách, có tối tăng mạnh lên 2,5 đến 3 vạn du khách. Mỗi ngày hoạt động, khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã đón khoảng 3 nghìn lượt du khách và tăng lên 5 nghìn đến 6 nghìn du khách vào những ngày tổ chức sự kiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.