(HNMO) - Sáng 13-6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã dẫn đầu Đoàn kiểm tra số 01 của Ban Thường vụ Thành ủy làm việc tại Huyện ủy Đông Anh về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy...
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra dự án Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia. |
Sau khi thị sát Dự án xây dựng Trường THCS Dục Tú và một số dự án trọng điểm trên địa bàn huyện, Đoàn kiểm tra đã nghe báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU tại huyện Đông Anh. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy và Chương trình 06-CTr/HU của Huyện ủy, đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện tới cơ sở, nhất là các thôn, xã trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng và khai thác tiềm năng đất, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý khai thác tiềm năng đất đai, bảo vệ môi trường và giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, nhất là quản lý theo quy hoạch đã giúp khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của đất đai.
Cụ thể, huyện đã triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án quan trọng của trung ương và thành phố trên địa bàn, như: Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia, Công viên Kim Quy, Công viên Công nghệ thông tin xã Nguyên Khê, Tổ hợp Y tế chăm sóc sức khoẻ công nghệ cao Hà Nội; quốc lộ 3 mới, đường 5 kéo dài; quốc lộ 23 Đông Anh - Thanh Tước... góp phần đẩy nhanh tiến độ hiện đại hoá kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện.
Từ năm 2016 tới nay, huyện đã và đang xây dựng mới 6 trường học, cải tạo 70 trường học, nâng tổng số trường đạt chuẩn toàn huyện là 52/89 trường, đạt 58,4%. Tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt 53,86% số dân. Công tác duy trì trật tự và văn minh đô thị được bảo đảm với hệ thống chiếu sáng. Công tác quản lý trật tự xây dựng và chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn huyện cũng đã được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, UBND huyện đã ban hành 30 văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, đơn vị liên quan trong quản lý trật tự xây dựng với tổng số tiền phạt trên 233 triệu đồng. Đặc biệt, công tác cấp phép xây dựng, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện cũng có chuyển biến tích cực. Hiện thủ tục hành chính cấp phép xây dựng đã được huyện triển khai ở mức độ 3, giúp tỷ lệ cấp phép tăng cao... Qua đó, diện mạo đô thị và nông thôn trên địa bàn huyện Đông Anh ngày càng đổi mới, sạch đẹp, khang trang, đời sống của nhân dân được cải thiện và từng bước được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo của Huyện ủy Đông Anh về triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế như: Đầu tư phát triển hạ tầng còn manh mún, dàn trải; việc phát triển các công trình hạ tầng đô thị theo quy hoạch, nhất là hạ tầng giao thông còn chậm. Tình trạng vi phạm mới về đất đai, trật tự xây dựng, ô nhiễm môi trường... còn xảy ra.
Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, đánh giá cao huyện Đông Anh đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy, thể hiện ở những kết quả nổi bật: Tập trung làm tốt công tác quy hoạch; hạ tầng kỹ thuật được triển khai khá đồng bộ; công tác giải phóng mặt bằng có sự cố gắng, nỗ lực lớn; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đạt kết quả cao…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận buổi kiểm tra. |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ ra một số tồn tại, khó khăn của huyện. Đó là kết quả công tác quản lý trật tự đô thị, xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường còn chưa bền vững, vi phạm mới, tái phạm vẫn diễn ra. Một số xã chưa cương quyết xử lý dứt điểm vi phạm ngay từ đầu. Tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp không rõ nguồn gốc vẫn còn xảy ra trên địa bàn một số xã. Tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm còn chậm. Kết quả đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu còn thấp; tiến độ thực hiện một số chỉ tiêu theo Chương trình 06-CTr/TU chưa đạt yêu cầu, trong đó có tỷ lệ cấp nước sạch, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo đồng bộ các cấp ủy, chính quyền rà soát lại toàn bộ Chương trình 06-CTr/TU, nhất là các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ còn đạt thấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Các cấp, các ngành của huyện cần đẩy mạnh, nâng cao chất lượng tuyên truyền về công tác quản lý quy hoạch; quản lý khai thác tiềm năng đất đai, bảo vệ môi trường, nhất là giải phóng mặt bằng để tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Huyện cần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý các vi phạm trong chấp hành quy định về quy hoạch, trật tự đô thị, đất đai, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường… Đồng thời, huyện xử lý nghiêm những cán bộ buông lỏng hoặc vi phạm trong công tác quản lý nhà nước.
“Huyện cần xác định rõ những mục tiêu trọng điểm, nhất là về cấp nước sạch, xây dựng trường chuẩn quốc gia, tiến độ triển khai các công trình trọng điểm để tập trung thực hiện tốt. Ngoài ra, huyện đã có quy hoạch, cần đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế phục vụ nhu cầu phát triển của huyện” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.