(HNMO) - Sáng 19-10, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ngô Thị Thanh Hằng cùng các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy đã kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình tại huyện Mê Linh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì hội nghị. |
Đoàn công tác đã khảo sát, kiểm tra 2 mô hình: Trồng rau an toàn tại xã Tráng Việt và trồng hoa hồng thế tại xã Mê Linh.
Theo thống kê, xã Tráng Việt hiện có 304ha sản xuất rau củ quả. Trong đó, có 134ha canh tác theo hướng an toàn và 10ha trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh các loại rau ăn lá phổ biến, củ cải được xem là cây trồng mang lại giá trị kinh tế lớn. Toàn xã có khoảng 90ha chuyên trồng củ cải gối vụ, mỗi năm trồng 5 lứa (giống Hàn Quốc, Nhật Bản); năng suất đạt trung bình 80 tấn/ha. Với giá bán từ 6.000-8.000 đồng/kg, mỗi héc ta củ cải cho doanh thu tới 500 triệu đồng/lứa.
Đoàn cũng đã tới thăm nhà vườn trồng hoa Tài Lý (xã Mê Linh). Chủ vườn là ông Phạm Đức Tài cho biết, từ khi chuyển đổi sang mô hình trồng hoa thế, vườn của gia đình ông thu nhập tăng gấp 3 lần so với trồng hoa cắt cành trước đây. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Phạm Đức Tài thu lãi 300-400 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm cho nhiều người khác.
Hiện toàn xã Mê Linh có hơn 300ha trồng các loại hoa, trong đó có 120ha hoa hồng, có 50 nhà vườn đã chuyển sang trồng hoa thế, cho hiệu quả cao, đạt giá trị 800 đến 1 tỷ đồng/ha hồng thế.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm khu trồng rau của xã Tráng Việt. |
Tham quan thực tế 2 mô hình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhận xét, mô hình trồng rau của xã Tráng Việt và mô hình trồng hoa hồng thế của xã Mê Linh là các mô hình rất đặc sắc, hiệu quả kinh tế rất cao.
Báo cáo của huyện Mê Linh cho thấy, toàn huyện hiện có 12/16 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018, huyện phấn đấu có thêm 2 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Tuy vậy, quá trình thực hiện Chương trình 02 trên địa bàn huyện Mê Linh vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện nay, Mê Linh mới có 46/75 trường học đạt chuẩn, đạt 61,3%; việc chi trả đất dịch vụ cho người dân chậm và gặp nhiều vướng mắc; khoảng 1.000ha đất bãi ven sông chưa được khai thác hiệu quả... Huyện Mê Linh cũng đề nghị thành phố tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng chợ đầu mối tại các xã: Thanh Lâm, Kim Hoa; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và chấp thuận chủ trương cho phép huyện xây dựng chợ thương mại tại xã Tiền Phong với quy mô chợ hạng 2…
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, Mê Linh là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng; có vị trí giao thông thuận lợi, có nhiều tiềm năng phát triển. Đồng chí ghi nhận và biểu dương huyện Mê Linh đã triển khai, đạt kết quả cao trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt sau 10 năm hợp nhất về Thủ đô, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng chuyên sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô từ 50ha trở lên tại các xã: Tam Đồng, Liên Mạc, Kim Hoa, Tự Lập; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã: Tráng Việt, Tiến Thắng, Tiền Phong; vùng sản xuất hoa, cây cảnh quy mô từ 20ha trở lên tại các xã: Mê Linh, Văn Khê, Đại Thịnh; vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có giá trị kinh tế cao, quy mô từ 20ha trở lên tại các xã: Chu Phan, Hoàng Kim, Tráng Việt.
Đối với xây dựng nông thôn mới, huyện đã chú trọng đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; cả hệ thống chính trị đồng lòng tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện Chương trình 02. Đến hết năm 2017, toàn huyện có 12/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 75% số xã); năm 2018 huyện có 2 xã đăng ký đạt chuẩn.
Về nâng cao đời sống người dân, đạt nhiều kết quả tích cực, thu nhập bình quân đạt 39,12 triệu đồng/người/năm, dự kiến cuối năm 2018, ước đạt hơn 41 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn 97,8%; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo 59,6%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 84,2%; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 chiếm 2,35%...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng chỉ ra những hạn chế và đề nghị huyện Mê Linh khắc phục trong công tác đấu giá đất; việc huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới chưa cao; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn trung bình các huyện trên địa bàn thành phố.
“Mê Linh cần xác định Chương trình 02 là nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm và của cả nhiệm kỳ; tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, công nghệ sạch có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; đặc biệt là xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Hằng năm, thành phố đều dành nguồn lực đáng kể cho các đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Đây là cơ hội để các địa phương tranh thủ đăng ký với thành phố để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất" - đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý.
“Bên cạnh đó, Mê Linh cần tiếp tục quan tâm đầu tư, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn; đầu tư có trọng điểm để các xã còn lại hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo quy định; duy trì, nâng cao chất lượng công tác y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch; làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa trên địa bàn gắn với quan tâm phát triển du lịch văn hóa; quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ. Thành phố sẽ tiếp tục vận động các quận nội thành hỗ trợ các huyện trong xây dựng nông thôn mới” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.