(HNM) - Thời gian gần đây, có những phim Việt Nam ghi dấu ấn ở một số giải thưởng, liên hoan phim quốc tế. Song, để đoạt giải hay được đề cử ở các giải thưởng điện ảnh quốc tế uy tín như Oscar - giải thưởng của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ, Liên hoan phim quốc tế Cannes (Pháp), Liên hoan phim quốc tế Berlin (Đức), Liên hoan phim quốc tế Venice (Italia)… vẫn là mơ ước của giới làm phim Việt Nam. Phải nhìn nhận, hành trình để phim Việt tỏa sáng ở các giải thưởng này vẫn còn nhiều gian nan.
Chưa chạm tới những giải thưởng danh giá
Giải Oscar lần thứ 94 sẽ trao vào đêm 27-3 tới, tại Mỹ. Một lần nữa, Việt Nam không có đại diện nào vào vòng đề cử chính thức. Mặc dù, hồi tháng 12-2021, phim “Bố già” của đạo diễn Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng được Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chọn tham dự vòng sơ loại giải Oscar lần thứ 94, hạng mục Phim quốc tế xuất sắc. “Bố già” lập kỷ lục doanh thu phòng vé với hơn 420 tỷ đồng, được công chiếu tại rạp thương mại ở nhiều nước trên thế giới. Phim cũng được giới chuyên môn đánh giá cao, đoạt Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII-2021, Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2020, nhưng vẫn thất bại tại giải Oscar.
Trước đó, trong 17 lần chọn phim tham dự giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh này, ngoài phim “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng lọt vào vòng đề cử chính thức Phim quốc tế xuất sắc năm 1993, các phim Việt đều bị loại. Thậm chí, có phim đoạt khá nhiều giải thưởng quốc tế, như: “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng đã giành giải Phim châu Á xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Iran lần thứ 36, Phim nước ngoài hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Arizona lần thứ 26 ở Mỹ…, nhưng khi đến với giải Oscar lần thứ 90, phim cũng không lọt vào đề cử chính thức.
Ở Liên hoan phim quốc tế Cannes, phim Việt Nam thường chỉ được chọn giới thiệu tại các chương trình bên lề, như góc điện ảnh châu Á, chợ phim, góc phim ngắn…, chứ chưa có phim tranh giải chính thức. Với Liên hoan phim quốc tế Berlin, mới chỉ có phim “Cha và con và…” của đạo diễn Phan Đăng Di được đề cử tranh giải Gấu vàng cho phim truyện vào năm 2015, nhưng không đoạt giải. Năm nay, phim “Miền ký ức” của đạo diễn Bùi Kim Quy đại diện Việt Nam tới Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 72, song chỉ tham gia hạng mục Forum (Diễn đàn), được công chiếu 5 buổi tại các rạp và không tranh giải chính thức.
Việt Nam cũng chưa có phim nào được lọt vào tranh giải Sư tử vàng của Liên hoan phim quốc tế Venice. Phim “Chơi vơi” (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) cũng chỉ tham gia và đoạt giải của Hội Phê bình điện ảnh quốc tế trong hạng mục phụ Phim trình chiếu Orizzonti (Chân trời) tại sân chơi này năm 2009 hay “Đập cánh giữa không trung” (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp) giành giải tại Tuần lễ phê bình phim - hoạt động bên lề tại Liên hoan phim quốc tế Venice năm 2014…
Việc ghi dấu ấn chính thức tại Oscar hay các liên hoan phim quốc tế Cannes, Berlin, Venice… sẽ nâng vị thế điện ảnh quốc gia, nhưng xem ra, phim Việt vẫn chưa chạm tới...
Đầu tư tập trung và dài hơi
Theo nhà biên kịch Đoàn Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh, giải Oscar, hay các liên hoan phim quốc tế Cannes, Berlin, Venice thường có tiêu chí chọn phim theo từng năm về yếu tố bình đẳng giới, chống phân biệt chủng tộc, ca ngợi sự khoan dung, nỗ lực vượt lên số phận… Ngoài ra, các yếu tố nội dung như khai thác vẻ đẹp văn hóa dân tộc, sự nhân văn, truyền cảm hứng sống cho khán giả… hay yếu tố chuyên môn: Cấu trúc, mạch phim, sự đồng bộ về đạo diễn, diễn xuất… luôn phải chú trọng. Trong khi, phim Việt hiện nay đa phần do tư nhân sản xuất, mang tính thương mại, giải trí; thiếu sự tìm tòi sáng tạo. Các phim nhà nước đầu tư sản xuất rất hiếm, đề tài cũ. Phim nghệ thuật của các nhà làm phim độc lập thì ít kinh phí, thiếu kinh nghiệm... Hằng năm, Việt Nam chọn từ những phim đã có đưa đi dự giải, thiếu nhiều tiêu chí, nên khó thành công.
Để hướng đến những giải thưởng điện ảnh quốc tế uy tín, không chỉ trông chờ vào lượng phim có sẵn, mà phải có sự đầu tư chiến lược. Đạo diễn Lương Đình Dũng nêu ý kiến, mỗi năm điện ảnh Việt Nam đầu tư cho khoảng 10 bộ phim, trong đó, Nhà nước hỗ trợ một nửa, còn lại xã hội hóa. Các phim hướng đến tiêu chí của những liên hoan phim uy tín, sau đó chọn ê kíp sản xuất thật tốt. Đầu tư như vậy trong 5 năm, Việt Nam sẽ có những phim vang danh ở những giải thưởng, liên hoan phim quốc tế lớn.
Không chỉ đầu tư về kinh phí, điện ảnh Việt Nam muốn phát triển phải được đầu tư chuyên nghiệp từ kịch bản đến sản xuất, phát hành, phổ biến phim. Theo nhà biên kịch Bình Bồng Bột, những nền điện ảnh mạnh trên thế giới đều có nền văn học mạnh song hành. Nhiều phim điện ảnh tốt được chuyển thể từ tác phẩm văn học hay. Vì vậy, điện ảnh Việt Nam cần có thêm những nhà văn uy tín tham gia viết kịch bản, kể những câu chuyện mang vẻ đẹp văn hóa, đất nước, con người Việt Nam bằng ngôn ngữ điện ảnh.
Về phía cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành cho rằng, Việt Nam cần xây dựng chiến lược đầu tư có trọng điểm và dài hơi cho nền điện ảnh, học hỏi mô hình phát triển điện ảnh từ các nước thành công… để dần phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, tạo nguồn đầu tư đồng bộ cho sản xuất phim chất lượng cao, vươn tới các giải thưởng quốc tế uy tín.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.