Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phía sau những tấm huy chương của thể thao Hà Nội tại SEA Games 30

Minh An| 23/01/2020 16:01

(HNM) - Đóng góp tới 34 Huy chương vàng, 27 Huy chương bạc, 26 Huy chương đồng, chiếm 34,69% tổng số Huy chương vàng của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30-2019 là thành tích rất đáng tự hào của thể thao Thủ đô. Các huấn luyện viên, vận động viên của Hà Nội đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 30 đã được thành phố Hà Nội vinh danh. Đằng sau những tấm huy chương đó là biết bao câu chuyện về sự nỗ lực, tinh thần vượt khó của các huấn luyện viên, vận động viên, nhà quản lý…

Ba cung thủ Việt Nam trên bục nhận huy chương.

Những nỗ lực khó kể bằng lời  

Hai ngày trước khi đội tuyển kiếm quốc tế lên đường sang Philippines tham dự SEA Games 30, trên cánh tay của Trưởng bộ môn Kiếm quốc tế Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Anh Tuấn có một vết thương. Tìm hiểu thì mới biết, vết thương đó đến từ buổi đấu tập khi một học trò đâm mũi kiếm vào tay thầy Phạm Anh Tuấn. Trước đó, các kiếm thủ Hà Nội lỡ một chuyến tập huấn nước ngoài, vì vấn đề thủ tục hành chính và cơ hội cọ xát với “quân xanh” ở địa điểm tập huấn dự kiến không thành hiện thực. Không thể đi tập huấn nước ngoài, đội tuyển đành tính đến phương án lấy “quân xanh” chính là các huấn luyện viên tại Hà Nội - những người từng là cựu tuyển thủ quốc gia. Hằng ngày, thầy trò mướt mải mồ hôi tập với nhau để các tuyển thủ không mất cảm giác thi đấu.

Còn với đội võ kurash lại là câu chuyện của... 10 năm trước. Lúc đó, khi có thông tin từ phía Liên đoàn Kurash thế giới và Liên đoàn Kurash châu Á về việc sẽ vận động để đưa kurash vào chương trình thi đấu ở SEA Games, ngành Thể thao Hà Nội đã bắt tay ngay vào việc xây dựng lực lượng. Trưởng bộ môn judo Hà Nội Đỗ Ngọc Hùng đã xây dựng được một đội ngũ võ sĩ kurash thiện chiến, đủ sức tranh tài ở giải thế giới và châu lục. Ở SEA Games 30, Hà Nội có 3 võ sĩ tham dự môn kurash, thì 2 võ sĩ giành được Huy chương vàng. Trong đó, Trần Thị Thanh Thủy gây ấn tượng mạnh, khi chỉ mất 5 giây để thắng tuyệt đối võ sĩ Thái Lan ở trận chung kết. Thành tích trên thảm đấu ấn tượng đó chưa chắc đã gian khó hơn 6 tháng "luyện" ăn để tăng cân, qua đó chiếm ưu thế tối đa ở hạng trên 70kg nữ. Có lẽ mọi người thường liên tưởng đến chặng đường giảm cân khó nhọc nhưng chỉ những võ sĩ của các môn võ thuật đối kháng như Thanh Thủy mới thấu hiểu sự gian nan, mệt mỏi về thể xác của quá trình "nhồi" dinh dưỡng để trong 6 tháng tăng 20kg, đạt trọng lượng hơn 90kg khi lên thảm đấu.

Hay như ở đội võ gậy, có vận động viên nội dung biểu diễn được chuyển từ môn pencak silat Hà Nội sang. Trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 30, vì những lý do khách quan, nên kinh phí đi tập huấn tại Philippines trong một tháng không kịp giải ngân. Cuối cùng lãnh đội võ gậy phải ứng tiền túi để các học trò sang Philippines tập huấn theo đúng kế hoạch. Nhờ đó, đội đã giành được 1 Huy chương vàng nội dung biểu diễn, hoàn thành chỉ tiêu tại SEA Games 30. 

Đối với môn cử tạ, câu chuyện đô cử Vương Thị Huyền nén nỗi đau mất cha chỉ ít ngày trước khi bước vào tranh tài ở SEA Games 30, để giành ngôi Vô địch, cũng gây xúc động mạnh mẽ. Ở SEA Games 30, tiền đạo Phạm Hải Yến của đội bóng đá nữ biết tin bà ngoại qua đời cũng không thể về thắp cho bà nén hương, vì đang làm nhiệm vụ quốc gia. Có lẽ vì vậy, Phạm Hải Yến càng thi đấu quyết tâm để mang về bàn thắng duy nhất cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam trong trận chung kết với đội tuyển bóng đá nữ Thái Lan. Cô gái sinh ra và lớn lên ở huyện Thường Tín, vốn mạnh mẽ trên sân cỏ này không kìm nổi nước mắt khi nhắc đến bà ngoại sau trận chung kết.

Còn nhiều câu chuyện khác về sự nỗ lực tột cùng của vận động viên, tinh thần vượt khó của lãnh đạo các bộ môn, huấn luyện viên ở Hà Nội trong hành trình chuẩn bị, tham dự SEA Games 30. Tất cả đã vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, mất mát để đem vinh quang về cho Tổ quốc cũng như Hà Nội.

Sáu cầu thủ CLB Hà Nội giành Huy chương vàng SEA Games 30 cùng U22 Việt Nam (từ trái sang): Thành Chung, Hùng Dũng, Văn Hậu, Quang Hải, Tiến Dũng và Thái Quý.

Thành công không tự nhiên đến

Trước thềm SEA Games 30, lãnh đạo Tổng cục Thể dục - Thể thao, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao Hà Nội khá lo lắng vì những khó khăn khách quan và chủ quan ập đến. Rõ nhất vẫn là chuyện tập huấn, yếu tố quyết định để vận động viên nâng cao trình độ. Kinh phí có hạn, nên dù rất muốn các vận động viên có điều kiện tốt nhất để tập luyện và thi đấu cũng đành bó tay. Thậm chí, khi thu xếp được kinh phí rồi, thì khâu thủ tục lại gặp vấn đề, khiến chuyến tập huấn nước ngoài bị lỡ. Do đó, mục tiêu đóng góp 30% tổng số Huy chương vàng của cả đoàn có thể sẽ không hoàn thành. 

Thế nên, không phải ngẫu nhiên khi trước ngày lên đường tham dự SEA Games 30, lại diễn ra phần thi dành cho những huấn luyện viên, vận động viên Hà Nội trong danh sách đặc cách xét tuyển viên chức của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trước đây. Việc tổ chức vào thời điểm đó là nhằm động viên, khích lệ những huấn luyện viên, vận động viên Hà Nội sắp tham dự SEA Games 30. Trong danh sách này có các vận động viên: Nguyễn Anh Tú (môn bóng bàn), Lộc Thị Đào (môn bắn cung). Đó là động lực tuyệt vời để họ đóng góp nhiều Huy chương vàng cho Đoàn thể thao Việt Nam. Trong số này, vận động viên Nguyễn Anh Tú giành ngôi Vô địch đôi nam bóng bàn, còn vận động viên Lộc Thị Đào giành tới 3 Huy chương vàng của cả 3 nội dung tham dự. 

Trên đây là những ví dụ về nỗ lực trong việc đưa ra các giải pháp mang tính đột xuất, "bơm liều doping" để giải quyết các khó khăn mang tính tình huống của thể thao Thủ đô, qua đó nâng cao thành tích tại đấu trường SEA Games 30. Song song đó, các nhà quản lý, các "ông bầu", các huấn luyện viên, vận động viên của Hà Nội đã cho thấy SEA Games 30 chỉ là thời điểm ắt phải đến để họ hái "quả ngọt" sau một quá trình đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc lâu dài, bài bản. 

Ví như, Đỗ Thị Ánh Nguyệt giành Huy chương vàng nội dung đôi nữ môn bắn cung ở SEA Games 30, nhờ sự chuẩn bị mang tính chiến lược, dài hơi của thể thao Hà Nội. Trong năm 2019, cung thủ này và một số đồng đội được cử đi tập huấn ở Hàn Quốc - cường quốc số 1 thế giới về môn bắn cung, điều chưa từng xảy ra trước đây. Tất cả được nhắm đến mục tiêu liên thông từ giành vé tham dự Olympic 2020 đến đoạt Huy chương vàng SEA Games 30. Từ sự đầu tư mạnh mẽ của Tổng cục Thể dục - Thể thao và ngành Thể thao Hà Nội, cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã hoàn thành 2 nhiệm vụ một cách ngoạn mục: Giành vé tham dự Olympic 2020, đăng quang ngôi Vô địch SEA Games 30. Chính hành trình chinh phục những mục tiêu trên của Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã mở thêm hướng đi quan trọng cho thể thao Hà Nội trong việc chinh phục các mục tiêu ở Olympic, ASIAD và SEA Games.

Trong đội tuyển bóng đá nam U22 Việt Nam có tới 6 cầu thủ của Hà Nội, gồm Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Thành Chung, Đoàn Văn Hậu, Trương Văn Thái Quý, Bùi Tiến Dũng. Ở trận chung kết với đội tuyển U22 Indonesia tại SEA Games 30, Đỗ Hùng Dũng (1 bàn) và Đoàn Văn Hậu (2 bàn) đã ghi cả 3 bàn thắng cho U22 Việt Nam. Còn cầu thủ Nguyễn Thành Chung chính là người tạo nên cú lội ngược dòng của U22 Việt Nam trước U22 Indonesia tại vòng đấu bảng. Qua đó cho thấy, bóng đá Hà Nội đã có đóng góp mang tính quyết định vào chức Vô địch lịch sử của bóng đá Việt Nam. Và tất nhiên, để có được lứa cầu thủ Quang Hải, Văn Hậu, Hùng Dũng..., các nhà quản lý bóng đá và "ông bầu" Đỗ Quang Hiển phải đầu tư, chăm bẵm liên tục từ cách đây 8-9 năm.

86 tấm huy chương, đặc biệt là 34 tấm Huy chương vàng SEA Games 30 của thể thao Hà Nội không tự nhiên mà có. Kết quả ấy bắt nguồn từ tài năng, nỗ lực, tinh thần vượt khó của các huấn luyện viên, vận động viên và từ tầm nhìn, những quyết sách đột phá của những người làm công tác quản lý, các nhà đầu tư, các Mạnh Thường Quân. Đó là bệ phóng, điểm tựa để thể thao Hà Nội chinh phục những cột mốc cao hơn (huy chương Olympic, thế giới...), và trước mắt là hoàn thành xuất sắc vai trò chủ nhà SEA Games 31 - năm 2021, cả ở số vận động viên tham dự, số lượng huy chương giành được, đóng góp vào thành tích chung của thể thao Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phía sau những tấm huy chương của thể thao Hà Nội tại SEA Games 30

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.