Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phía sau cơn “sốt nóng”

Thế Phương| 15/08/2011 06:52

(HNM) - Giá vàng tiếp tục giảm sau một thời gian


Người dân đổ đến các cửa hàng tạo ra sự hỗn loạn trong bối cảnh giá vàng trong nước sình sịch sốt với mức 45,40 - 46,02 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải can thiệp bằng cách cấp quota nhập vàng. Sau khi thông tin này tung ra, giá vàng sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp để bình ổn giá này Chính phủ đã phải bỏ ra một khoản lớn ngoại tệ trong khi đất nước đang đối mặt với nhập siêu và sức ép tỷ giá. Câu hỏi: Ai lợi, ai thiệt - Một lần nữa được công luận đặt ra.

Theo số liệu thống kê trong sáu tháng đầu năm, lượng vàng Việt Nam xuất khẩu khoảng 30 tấn, thu về 1,2 tỷ USD, tính trung bình 40 triệu USD/tấn vàng. Và chỉ cần nhìn vào chênh lệch giá vàng theo chiều tăng lên từ đầu năm đến nay thì cũng có thể thấy rằng, các doanh nghiệp đã thu được khoản lời kha khá nếu không muốn nói là rất nhiều qua việc xuất khẩu vàng. Việc tăng giá liên tục để thu gom xuất khẩu, đã tạo ra tình trạng khan hiếm nguồn cung cục bộ, đẩy giá vàng tăng đột biến (cao hơn giá vàng thế giới). Cơn sốt vàng đã kéo người dân và cả nền nền kinh tế vào vòng xoáy kim tiền đầy rủi ro. Trong hoàn cảnh đó, nhập vàng để tăng cung, đôi khi mới chỉ là động tác nhằm xoa dịu tâm lý giảm cơn sốt vàng được xem là giải pháp tình thế.

Với 5 tấn vàng được cấp phép nhập vào Việt Nam, doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải bỏ ra khoảng 300 triệu USD (theo giá vàng hiện nay khoảng 60 triệu USD/tấn). Nếu tính trung bình giá xuất khẩu vàng trong sáu tháng đầu năm là 40 triệu USD/tấn, có vẻ như, các DN đã "bán rẻ, mua đắt". Và điều này hoàn toàn đúng nhưng khoản lỗ 100 triệu USD cho 5 tấn vàng đó không bao giờ doanh nghiệp hứng chịu mà tất cả đổ xuống đầu người dân - những người đang chao đảo trong cơn "lướt sóng" của tâm lý đám đông. Còn với các doanh nghiệp "đại gia" trong lĩnh vực này, xuất khẩu đã kiếm lãi, nhập khẩu về dù giá cao vẫn kiếm được lãi bởi họ lại bán với mức giá ngất ngưởng cho người dân…

Trong cơ chế thị trường không thể không tính chuyện lời lãi, các "đại gia" trong giới kinh doanh thứ kim loại quý này đã tận dụng mọi cơ hội xuất khẩu và nhập khẩu vàng để mua đi bán lại. Họ làm tất cả để có lợi nhuận cao nhất và không vi phạm pháp luật. Và điều đáng nói là việc kiếm lợi đó đã gây nên hậu quả nghiêm trọng qua việc tạo ra cơn hỗn loạn của thị trường vàng, gây thiệt hại người dân và nhà nước, làm khó cho việc điều hành vĩ mô của Chính phủ và tạo ra bất ổn cho nền kinh tế.

Vì vậy, việc làm cấp bách hiện nay là xem xét một cách nghiêm túc các chính sách và cơ chế quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, tìm ra những vấn đề cốt lõi để giải tỏa. Một khi quan hệ cung cầu vàng không mất cân đối, giá cả liên thông hợp lý với giá cả thế giới, thì giới đầu cơ không thể "đục nước, béo cò", tạo ra sự bất ổn cho thị trường vàng. Nếu các cơ quan chức năng đưa ra được các chính sách căn cơ hơn, bài bản hơn nhằm bảo đảm ổn định, thị trường chắc chắn có thể tránh được việc phải sử dụng các giải pháp mang tính hành chính thường ít có tác dụng và nhiều khi chỉ là "cắt ngọn" .

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phía sau cơn “sốt nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.