(HNM) - Hôm qua (22-6), các hoạt động đầu tiên trong Chương trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, việc tổ chức Hội nghị Cấp cao sau 10 tuần trì hoãn là nỗ lực to lớn của Việt Nam với vai trò trung tâm của cộng đồng hơn 600 triệu dân. Chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” một lần nữa được truyền thông thế giới ca ngợi và đánh giá là "phép thử" cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam...
Đại dịch Covid-19 được coi là thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và cũng là thử thách lớn nhất với ASEAN trong hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển. Tất cả 10 nước thành viên ASEAN đều đã ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19, với tổng cộng hơn 130.000 ca nhiễm bệnh.
Không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, đại dịch còn tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và các hoạt động hợp tác, giao lưu giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo ASEAN chỉ tăng trưởng 1% trong năm nay trước khi hồi phục 4,7% trong năm tới. Nhiều cuộc họp của ASEAN cũng đã phải hoãn hoặc hủy do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tất cả những thách thức đó đòi hỏi vai trò của nước Chủ tịch ASEAN phải đủ sức bao quát, nắm bắt và điều hành trên cương vị quan trọng của mình, cùng với các thành viên khác tăng cường liên kết, bảo đảm khả năng thích ứng với môi trường đang biến đổi từng ngày.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, đại dịch Covid-19 cho thấy chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” mà Việt Nam đề ra cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là đúng lúc và hoàn toàn xác đáng. Những nỗ lực mà Việt Nam đã và đang triển khai trong vai trò Chủ tịch ASEAN thời gian qua đã thể hiện rõ tinh thần của chủ đề này, thực sự biến lời nói thành hành động cụ thể. Chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu hiện nay của ASEAN và là cách để ASEAN cùng nhau vượt qua đại dịch.
Hiện thực hóa chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, với vai trò điều phối, dẫn dắt, Việt Nam đã linh hoạt tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng theo hình thức trực tuyến nhằm vừa duy trì công việc và sự kết nối trong các nước thành viên ASEAN, giữa ASEAN và các nước đối tác. Tiêu biểu là các hội nghị quan chức cấp cao trong các lĩnh vực y tế, kinh tế, quốc phòng… hay cuộc họp với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… để cùng trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này được tổ chức theo hình thức trực tuyến cũng là giải pháp phù hợp với điều kiện hiện nay, nhằm đưa ra những cam kết và quyết tâm chính trị ở cấp cao, khẳng định tinh thần đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau ứng phó dịch bệnh của các nước ASEAN.
Tờ Bangkok Post của Thái Lan đánh giá, Covid-19 bùng phát là "phép thử" nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống đại dịch trên cương vị Chủ tịch ASEAN cũng như nâng cao được vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Thời gian qua, Việt Nam đã phát huy rất tốt vai trò của Hiệp hội để chống lại đại dịch Covid-19, đồng thời phục hồi kinh tế và kết nối khu vực đang bị gián đoạn. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra vào ngày 26-6 tới theo hình thức trực tuyến sẽ là khởi đầu mới của một "ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, đưa các nước thành viên xích lại gần nhau hơn nữa, để trở thành một hiệp hội đoàn kết, thống nhất, sẵn sàng thích ứng và vươn lên trước mọi thử thách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.