(HNM) - Lâu nay, việc phân chia phê bình văn học thành hai loại, được quen gọi là phê bình chuyên nghiệp và phê bình nghiệp dư (trong đó có phê bình báo chí) đã trở thành phổ biến.
Phê bình nghiệp dư lâu nay được hiểu là phê bình của những người không chuyên nghiệp. Phê bình, đối với những người viết không chuyên, chưa phải là nghề nghiệp chính thức, chưa mang tính chuyên sâu, chuyên môn cao; chưa có tính học thuật nghiêm túc và đáng tin cậy… Đó trước hết là phê bình của báo chí; phê bình của các nhà văn, nhà thơ, của các độc giả quần chúng, của các nhà giáo phổ thông, các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh viết phê bình, những người trẻ tuổi làm phê bình…
Phê bình rất cần thiết trong đời sống văn học hiện nay. Ảnh: Hải Anh |
Chúng ta đã quen nhìn nhận phê bình nghiệp dư giống như một người nói ghé vào văn đàn, bị đồng nhất với phê bình cảm tính, thậm chí còn bị quy về tình trạng đáng chê trách, đáng báo động, rồi "cần loại bỏ, thay đổi, điều chỉnh" nhất hiện nay. Điều đáng nói nữa là ở chỗ, phê bình nghiệp dư bị diễn giải đích thực là thứ phê bình không hoàn thành nhiệm vụ, thứ phê bình có quan niệm lệch lạc, không làm đúng chức năng định hướng tư tưởng chính trị, định hướng thẩm mỹ cho công chúng và tác giả, thứ phê bình không có chuẩn nào. Và thế là, bàn về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của phê bình văn học, mặc nhiên không mấy ai nghĩ đến bàn thảo về đổi mới, nâng cao chất lượng của loại phê bình không chuyên - phê bình báo chí, phê bình truyền thông… này mà ngược lại, còn như thể là bàn về cách chống lại sự hiện diện của mảng phê bình ấy trong đời sống.
Rõ ràng, phân chia phê bình thành phê bình nghiệp dư và phê bình chuyên nghiệp, tức là đồng thời xác định số phận, vị trí, diện mạo của phê bình không chuyên trên sân chơi văn học, văn hóa, truyền thông và trong khuôn khổ của chính trị - học thuật đương thời; phân chia như thế là đồng thời tước đoạt thẩm quyền đọc - phê bình, đánh giá, định giá, cảm thụ của cái gọi là phê bình nghiệp dư.
Tức là ở đây, việc phân loại không làm sáng tỏ bức tranh phê bình, mà phần lớn lại dẫn đến loại trừ thứ phê bình được gán cho tên gọi là nghiệp dư. Cũng chính quan điểm phổ biến ấy khiến ta có cảm tưởng, chỉ có phê bình chuyên nghiệp - khoa học - học thuật mới là phê bình đích thực, mới có giá trị, có sức thuyết phục và chỉ điều đó mới chứng tỏ nền phê bình văn học phát triển lành mạnh, có thành tựu đáng quý mà thôi.
Trong khi đó, chính cái gọi là phê bình nghiệp dư, của giới báo chí chẳng hạn, cũng có những cách nhìn nhận rất khác. Chính họ thường xuyên phàn nàn và từ chối đăng tải các văn bản nặng về chuyên môn, hàn lâm, khoa học; đối với truyền thông chính loại phê bình chuyên nghiệp là thứ phê bình ít độc giả, ít ảnh hưởng và kém hấp dẫn. Phê bình chuyên nghiệp trong con mắt của phê bình nghiệp dư (báo chí) cũng gần như cách nhìn, cách đối xử của các nhà hàn lâm đối với khu vực phê bình truyền thông, nghiệp dư.
Bình đẳng để đóng góp cho xã hội
Vấn đề là không thể áp đặt sự chuyên nghiệp của phê bình này lên sự chuyên nghiệp của phê bình khác. Các chủ thể phê bình nghiệp dư, chuyên nghiệp luôn không bằng lòng về nhau, nhưng lại cần đến nhau, hỗ trợ nhau và thường xuyên kiến tạo ra các hình ảnh của nhau. Phê bình nghiệp dư cũng có ý nghĩa, giá trị xã hội, khuôn mẫu diễn đạt nhất định cũng như chính sự chuyên nghiệp, giá trị, kiểu văn phong riêng của phê bình học thuật vậy. Chúng bình đẳng với nhau. Phê bình văn học hiện nay không phải đang bị nghiệp dư hóa, mà đang được mở rộng tới nhiều chủ thể, có nhiều cơ chế phê bình, kiểu phê bình văn học tồn tại bên cạnh nhau.
Trong bản tham luận tại hội thảo "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phê bình văn học" do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4-2012, nhà văn Phong Lê từng nói: "Dẫu chuyên hoặc không chuyên, việc thông tin về hoạt động văn học - nghệ thuật cũng là một nhu cầu chung, phổ biến của xã hội; và do vậy cũng là đối tượng cho các loại báo chí quan tâm. Điều đó khiến cho các nhà báo, các biên tập viên báo chí trở thành các vai diễn quan trọng trong đời sống phê bình. Phải qua họ, hoặc nhờ vào họ mà một tác giả, hoặc một tác phẩm nào đó mới đến được với quần chúng, qua kênh truyền thông, trước khi có sự bàn bạc, thẩm định của các giới chuyên môn, nếu như đó là một sự kiện, hoặc một hiện tượng có vấn đề…". Và tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần III do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 6-2013 vừa qua, cũng có nhiều ý kiến khẳng định vị trí riêng của phê bình báo chí.
Như vậy, phê bình truyền thông, phê bình học thuật..., phê bình nào cũng phải chuyên nghiệp, theo yêu cầu, mục đích, chức năng, đặc thù riêng. Không thể yêu cầu phê bình truyền thông chuyên nghiệp theo kiểu phê bình hàn lâm, và ngược lại cũng không thể đòi hỏi phê bình hàn lâm phải làm như phê bình truyền thông, chạy theo các đề tài của báo chí (chẳng hạn gần đây, báo chí đặt lại vấn đề kết thúc truyện cổ tích "Tấm Cám" cứ như thể chưa được phân tích, lý giải từ nhiều phía, trong khi vấn đề này đã được giải quyết từ lâu. Nếu cứ chạy theo những đề tài "mồi", "giả" như vậy thì phê bình hàn lâm nguy quá). Ngược lại, phê bình truyền thông có những vai trò, đóng góp quan trọng, có cách tạo ra thông tin, hình ảnh và tri thức mà kiểu phê bình khác không thay thế được. Nhất là khi bạn đọc cần tiếng nói kịp thời của phê bình trước những hiện tượng mới của đời sống văn học.
Vậy nên, phê bình văn học của ta, chữ “chuyên” cần ở cả hai đằng, dẫu là anh làm phê bình ở đâu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.