Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển trên nền tảng truyền thống dân tộc

Hà An| 18/09/2016 07:18

(HNM) - Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2016 có chủ đề “Kiến trúc vì mọi người”. Thực ra, đây không phải nội dung hoàn toàn mới. Xét cho cùng, kiến trúc, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, đều phải phục vụ một trong những nhu cầu cơ bản của con người là “ở”, bên cạnh các nhu cầu “ăn”, “mặc”, “học tập”…


Trong bối cảnh mới, với những nhân tố mới hình thành do tác động của biến đổi khí hậu, yêu cầu bảo vệ môi trường phạm vi toàn cầu, chủ đề “kiến trúc vì mọi người” càng trở nên thời sự, đồng thời có ý nghĩa nền tảng, căn cốt đối với kiến trúc một dân tộc.

Tại sao lại nói như vậy?

Các xu thế kiến trúc hiện đại hôm nay như kiến trúc sinh thái, kiến trúc khai thác truyền thống, kiến trúc công nghệ... đều nhắm đến mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ con người tốt hơn. Làm sao để tất cả các thành phần xã hội đều được hưởng một điều kiện “ở” gắn kết với thiên nhiên, môi trường, nâng cao giá trị sống, hạn chế xuống mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một phức tạp (?) là câu hỏi mà mọi kiến trúc sư, cũng như nhà quản lý phải tìm lời giải đáp.

Để có được một nền kiến trúc thực sự vì con người, những yếu tố cơ bản là bản sắc dân tộc, yếu tố bản địa gắn kết với yếu tố hiện đại phải là "điểm xuất phát". Nghĩa là người làm nghề không phải hướng đến một nền kiến trúc tô vẽ, làm dáng. Ví dụ, người dân vùng lũ rất cần những công trình nhà chống lũ tiện ích, hiệu quả. Hay trẻ em vùng cao thực sự cần những ngôi trường vừa sinh động, hiện đại vừa có khả năng chống chọi được với khí hậu miền núi… Hàng loạt giải thưởng kiến trúc danh giá trong nước và quốc tế mà các kiến trúc sư trẻ của Việt Nam như Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Hòa Hiệp giành được trong những năm gần đây đã cho thấy rõ nét xu thế này. Đây là những công trình không hẳn quy mô lớn, thậm chí quy mô rất vừa phải, nhưng đều mang đậm tính xã hội, thể hiện ở khía cạnh khai thác tối đa giá trị vật liệu truyền thống, có ý nghĩa thiết thực với một cộng đồng cụ thể...

Thực tế, nền kiến trúc nước nhà đang đứng trước những thách thức to lớn khi xu thế lạc hậu, lỗi thời hoặc xa rời mục tiêu phục vụ con người xuất hiện ngày càng nhiều. Ví dụ, các công trình nhà ở "nhại" cổ phá vỡ không gian kiến trúc, cảnh quan nông thôn hay nạn pha trộn tùy tiện Âu-Á, xa lạ với người dân thể hiện trong hàng loạt trụ sở hành chính khắp cả nước...

Giải thưởng kiến trúc quốc gia không phải chỉ là "chuyện trong nhà". Đó là diện mạo, tiếng nói của kiến trúc dân tộc đối với thế giới. Vì vậy, nơi đây phải là điểm hội tụ cho tinh thần kiến trúc biết khai thác thế mạnh văn hóa, phong cách dân tộc kết hợp với các yếu tố hiện đại để mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng, góp phần đẩy lùi những xu hướng lạc hậu kể trên.

Cùng với việc không ngừng đổi mới quy chế như đã làm, giải thưởng phải bằng uy tín, chất lượng của mình để đánh thức và khuyến khích được mỗi kiến trúc sư trong tạo dựng tác phẩm giàu bản sắc và trong cả tiếng nói phản biện xã hội. Tiếng vang của giải thưởng, sự ghi nhận của người dân cũng sẽ tạo "áp lực" thay đổi lên nhà đầu tư - những người tham gia đáng kể vào việc dịch chuyển kiến trúc theo chiều hướng tích cực, tôn trọng bản sắc văn hóa, hiện đại mà vẫn hướng tới mục tiêu vì cộng đồng.

Thúc đẩy một nền kiến trúc vì mọi người trên nền tảng văn hóa, truyền thống dân tộc cũng là cách để kiến trúc nước nhà hòa mình vào dòng chảy tất yếu của kiến trúc thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển trên nền tảng truyền thống dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.