Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển nông nghiệp đô thị: Tiềm năng lớn, thách thức nhiều

Đỗ Minh| 10/10/2016 07:03

(HNM) - Khắc phục những hạn chế trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao, chất lượng và an toàn được xem là giải pháp tối ưu để giải quyết các bất cập của quá trình đô thị hóa.

Lợi thế và tiềm năng lớn

Phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái gắn với du lịch được coi là tiềm năng, đồng thời cũng là giải pháp lớn của nông nghiệp Thủ đô. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, trong định hướng tái cơ cấu, Ngành Nông nghiệp Thủ đô xác định rõ mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp đô thị sinh thái, tạo vành đai xanh, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Đến nay, Hà Nội đã xây dựng được những vùng sản xuất chuyên canh khác nhau. Nhiều mô hình nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình Nông trại giáo dục tại huyện Thường Tín; phát triển đồi chè gắn với du lịch tại Ba Vì, Quốc Oai...


Một giờ ngoại khóa tại trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Thúy Hòa


Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế nhưng trên thực tế, Ngành Nông nghiệp Thủ đô và các địa phương đều đang loay hoay với hướng đi của nông nghiệp đô thị và chưa định hình rõ để phát triển. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, Thanh Oai đã hoàn thành cơ bản dồn điền đổi thửa nhưng cây lúa vẫn chiếm tỷ lệ cao. Việc xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao còn gặp khó khăn do thiếu kinh phí và quỹ đất hạn chế…

Đồng thời, dù được Trung ương và thành phố quan tâm đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng so với yêu cầu phát triển nông nghiệp đô thị thì vốn đầu tư vẫn còn ở mức thấp, chỉ chiếm khoảng 4-6% trong tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố nên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Hiện, hộ gia đình vẫn là đơn vị sản xuất phổ biến ở nông thôn, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố đã có nhưng chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Đặc biệt, chưa có nhiều chính sách hấp dẫn nhằm khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn bởi việc tiếp cận đất đai, liên kết với nông dân trong sản xuất còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số quy hoạch, đề án và cơ chế chính sách hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao đã có, nhưng việc triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, nhất là nguồn lực thực hiện và thủ tục hỗ trợ.

Đã rõ hướng đi, vẫn khó triển khai

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia sinh học và nông nghiệp cho rằng: Phát triển nông nghiệp đô thị phải tập trung vào những cây con chất lượng, hiệu quả kinh tế cao chứ không thể dừng lại ở cây lúa, cây rau truyền thống. Theo thống kê của Ngành Nông nghiệp, đến nay các mặt hàng nông sản, thực phẩm chính được sản xuất mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, khoảng 40% còn lại phải nhập khẩu từ các nước và các tỉnh, thành phố lân cận nên nhu cầu còn rất lớn. Theo Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, nếu Hà Nội tranh thủ được thị trường rộng lớn, quản lý tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để người dân ở thành phố “mạnh tay” hơn trong chi tiền mua nông sản an toàn thì nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm nông sản sạch sẽ mở ra thị trường tiêu thụ lớn và làm giàu cho hàng triệu hộ nông dân.

Đồng quan điểm đó, tại buổi họp bàn về phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sữa Hà Nội Hà Quang Tuấn cho rằng: Thế mạnh của Hà Nội là thị trường tiêu thụ nông sản với số lượng lớn. Thay vì sản xuất quy mô nông hộ, Hà Nội nên xây dựng thị trường, liên kết với nông dân, hình thành các chuỗi sản xuất và tập trung vào các sản phẩm chính như cây ăn quả, hoa cây cảnh, nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt và lợn thương phẩm… mới cho hiệu quả.

Không chỉ phát triển nông nghiệp thuần túy, nông nghiệp Thủ đô còn hướng tới gắn với du lịch sinh thái tham quan và trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Hồng Vân (Thường Tín) là một xã ven đô, có nhiều lợi thế phát triển đô thị sinh thái. Để khai thác lợi thế này, xã đã định hướng phát triển nông nghiệp tập trung chủ lực vào hoa - cây cảnh và phát triển thành vùng, đồng thời tạo điều kiện các hộ dân phát triển kinh tế trang trại theo hướng sinh thái để thu hút du khách nội đô về tham quan, trải nghiệm đời sống nông thôn.

Rõ ràng, nếu chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc thù đô thị sẽ mở ra cơ hội rất lớn để nông nghiệp Thủ đô khai thác thế mạnh, phát triển và làm giàu cho nông dân. Không những vậy, từ đây, các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát tốt hơn chất lượng hàng nông sản thông qua các chuỗi sản xuất và vùng sản xuất trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm đang nhức nhối hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp đô thị: Tiềm năng lớn, thách thức nhiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.