Hà Nội có tiềm năng và động lực lớn để phát triển nông nghiệp đô thị. Và hiện nay, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã, đang có những giải pháp để tiếp cận, qua đó gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp cũng như nâng cao đời sống của người nông dân.
Tiềm năng lớn nhất phải kể đến là Hà Nội hiện có khoảng 198.000ha diện tích đất nông nghiệp, chiếm 58,8% tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố. Khu vực nông thôn của thành phố có hơn 4,2 triệu người, chiếm 50,94% dân số của thành phố.
Đáng kể hơn, Hà Nội có thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất nhì cả nước, với khoảng gần 9 triệu dân. Chưa kể, hằng năm, Thủ đô đón hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm…
Cùng với đó, hiện nay, thành phố đang có tốc độ đô thị hóa rất cao, nhiều khu đô thị hiện đại, sầm uất mọc lên nhanh chóng. Cùng với dân số đô thị tăng lên hằng năm theo cấp số nhân, thì việc đô thị hóa đã khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần.
Vấn đề đáng quan tâm là với tiềm năng, thế mạnh như vậy nhưng hiện nay, sản phẩm nông nghiệp thành phố làm ra mới đáp ứng 30-65% nhu cầu của người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Do đó, lượng nông sản, thực phẩm còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành trên cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài.
Với những phân tích trên cho thấy, việc phát triển nền nông nghiệp đô thị ở Hà Nội là tất yếu và phù hợp để vừa tận dụng tiềm năng, vừa thích ứng với bối cảnh mới.
Cụ thể hóa nhiệm vụ quan trọng này, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5568/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương “Đề án nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội”. Thời gian thực hiện đề án trong giai đoạn 2024-2026 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, thành phố phấn đấu đến năm 2030, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đô thị (nông, lâm nghiệp, thủy sản) hằng năm 2-3%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái đạt trên 70%...
Thực hiện những mục tiêu này, ngành Nông nghiệp Thủ đô cũng như các huyện, thị xã cần tập trung phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn thực phẩm, anh ninh dinh dưỡng, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và nhu cầu của dân cư đô thị.
Đặc biệt, cùng với thực hiện nghiêm quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, phát huy vai trò của nông nghiệp đô thị trong hỗ trợ hoạt động dịch vụ du lịch, tạo không gian xanh, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch nông nghiệp đô thị, nông nghiệp nông thôn, bảo vệ môi trường. Phát triển các mô hình vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã số vùng trồng cung ứng cho đô thị; tăng tỷ lệ che phủ xanh thông qua nông nghiệp đô thị…
Trong điều kiện quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, việc áp dụng công nghệ mới để tăng sản lượng cây trồng, vật nuôi cũng là vấn đề mà nền sản xuất nông nghiệp đô thị phải đặc biệt chú trọng. Theo đó, các địa phương phát triển nông thôn mới theo hướng đô thị nông nghiệp công nghệ cao, đô thị văn minh; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Khai thác tốt tiềm năng, phát huy mạnh mẽ lợi thế để phát triển nền nông nghiệp đô thị xứng tầm, hiệu quả, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.