Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với bảo tồn biển Việt Nam

Ngọc Quỳnh| 12/12/2020 13:02

(HNMO) - Ngày 12-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020; quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26-5-2010 và Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Quang cảnh hội nghị.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau gần 10 năm triển khai thực hiện 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện lập quy hoạch chi tiết 16 khu bảo tồn biển và bàn giao cho các địa phương để thành lập theo thẩm quyền. Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương đã thành lập và đưa vào hoạt động 12 khu bảo tồn biển. Đồng thời, bổ sung nguồn lợi thủy sản đạt hơn 400 triệu con giống cá có giá trị kinh tế, loài bản địa với xu hướng tăng liên tục từ năm 2010 đến nay. Mặt khác, đã điều tra, xác định và ban hành danh mục 47 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn để bảo vệ các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống…

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, trong 10 năm qua, việc thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam còn những khó khăn như: Tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra thường xuyên, ngày càng tinh vi; việc sử dụng các nghề, ngư cụ có tính hủy diệt, tận diệt hoặc xâm hại nguồn lợi thủy sản vẫn tiếp diễn. Công tác điều chỉnh, cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản, chuyển đổi nghề cho ngư dân còn chậm, chưa có cơ chế hỗ trợ cho đối tượng bị điều chỉnh. Hiệu quả quản lý tại các khu bảo tồn biển còn hạn chế; tình trạng vi phạm quy định pháp luật tại các khu bảo tồn biển vẫn diễn ra thường xuyên và chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời, đặc biệt là giao mặt nước, suy giảm hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn tại các khu bảo tồn biển...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, những kết quả đạt được trong 10 năm qua đã góp phần không nhỏ duy trì, bảo vệ các hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững ngành kinh tế thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập cộng đồng ngư dân, bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo quốc gia. Nhờ đó, trong giai đoạn 2010-2020, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng trưởng 5,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần; kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trung bình 6,1%/ năm.

“Đa dạng sinh học biển, trọng tâm là các hệ sinh thái biển có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, trong giai đoạn 2021-2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương ven biển tiếp tục thực hiện quản lý nguồn lợi thủy sản theo trữ lượng và khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi, bảo đảm khai thác nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Cùng với đó, tiếp tục điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản với phương thức phù hợp, cập nhật dữ liệu phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách phát triển thủy sản bền vững. Mở rộng, thành lập mới, tăng cường hiệu quả quản lý các khu bảo tồn biển; quy định, cập nhật danh mục khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển, vùng ven biển và vùng nội địa nhằm thực hiện mục tiêu 6% diện tích biển tự nhiên của Việt Nam được bảo vệ…”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với bảo tồn biển Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.