(HNM) - Những năm gần đây, giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như: gạo, điều, cà phê… đã vươn lên hàng nhất, nhì thế giới.
Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2001 đến năm 2012, sản lượng lương thực có hạt tăng bình quân gần 1,3 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản chính năm 2012 đạt gần 14,9 tỷ USD trong đó nhiều mặt hàng đạt giá trị trên 3 tỷ USD đánh dấu bước phát triển mới của ngành trồng trọt. Tuy nhiên, ngành này vẫn còn một số hạn chế, đó là sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, trình độ canh tác lạc hậu. Đáng lưu ý là năng suất, chất lượng nhiều loại sản phẩm còn thấp, giá thành cao, khả năng cạnh tranh thấp, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định; chưa có các liên kết giữa sản xuất - tiêu thụ, giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp. Đặc biệt, trình độ chế biến sản phẩm trồng trọt xuất khẩu còn thấp, chủ yếu vẫn xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị chưa cao. Đơn cử, năng suất ngô mới đạt 43 tạ/ha, bằng 80% năng suất trung bình thế giới; đậu tương mới đạt 14,5 tạ/ha, bằng 50-60% năng suất trung bình thế giới. Gạo vốn là mặt hàng xuất khẩu số một của ngành trồng trọt nhưng giá cùng loại luôn thấp hơn gạo Thái Lan khoảng 20-30USD/tấn. Các nông sản khác như cà phê, chè, trái cây cũng có tình trạng tương tự như lúa gạo. Đặc biệt, an toàn vệ sinh nông sản thực phẩm còn nhiều bất cập. Đây chính là nguyên nhân làm giảm nhu cầu tiêu thụ trong nước và là rào cản hạn chế xuất khẩu nông sản nước ta, tại các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Ngoài ra, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch trong ngành còn hạn chế, tổn thất còn lớn.
Thu hái chè tại Hạ Hòa (Phú Thọ). Ảnh: Yến Ngọc |
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho rằng, ngành trồng trọt có vị trí rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giải quyết việc làm, ổn định đời sống nhân dân, góp phần ổn định chính trị xã hội và bảo vệ môi trường. Với những định hướng và vai trò trên, ngành trồng trọt đề ra mục tiêu, trong giai đoạn 2014 - 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 2,5%/năm; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 22 tỷ USD; giá trị sản lượng trên 1ha đất trồng trọt bình quân là 150 triệu đồng.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành trồng trọt cần nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo lợi thế từng vùng, gắn thị trường tiêu thụ trên cơ sở áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ. Đặc biệt cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị gia tăng và thu nhập của nông dân. Ngoài ra phải tăng cường thâm canh tăng năng suất, chất lượng để bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu. Đối với các cây công nghiệp lâu năm, rau, trái cây cũng cần có quy hoạch phát triển theo vùng, gắn với xây dựng nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm. Đối với cây ăn quả, cần tiếp tục mở rộng diện tích trên đất chuyển đổi từ trồng lúa và trồng cây khác, cải tạo vườn tạp để đạt diện tích 900 nghìn héc ta vào năm 2020 và duy trì diện tích này đến năm 2030, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, cần phát triển cây ngô phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, thay thế nhập khẩu. Trong những năm tới sản lượng ngô phải bù đắp được lượng thiếu hụt hiện tại, đồng thời đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến thức ăn chăn nuôi trong tương lai.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, ngành trồng trọt sẽ tập trung nâng cao chất lượng, xây dựng vùng hàng hóa chuyên canh lớn, có quy mô, quy hoạch, phát triển theo chuỗi liên kết bền chặt từ sản xuất đến tiêu thụ, gắn phát triển với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, nâng cao khả năng chế biến nhằm hạn chế xuất khẩu dưới dạng thô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.