(HNM) - Cùng với sản xuất nông nghiệp, làng nghề đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, thời gian qua, một số làng nghề hoạt động khó khăn, không ít nghề đã bị mai một… Để bảo tồn và phát triển làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống, Hà Nội đang tiếp tục có nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực...
Vẫn còn thách thức
Xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) những ngày này không khí sản xuất các sản phẩm mộc nội thất nhộn nhịp hơn để kịp đưa ra thị trường dịp cuối năm âm lịch. Chủ tịch UBND xã Liên Hà Nguyễn Quang Lục cho biết, nghề mộc ở xã phát triển đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 94% lao động trong xã và gần 4.000 lao động ngoài xã. Thu nhập bình quân trên địa bàn đã đạt 75,5 triệu đồng/người/năm. Cuối năm 2021, xã được thành phố đánh giá là một trong 5 xã đầu tiên của Hà Nội hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Là huyện đã hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới, nhiều làng nghề tại huyện Thạch Thất như mộc Chàng Sơn, Canh Nậu, mây tre đan Bình Phú, chè lam Thạch Xá… đã góp phần làm nên thành quả này nhờ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục nghìn lao động. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, ở các làng có nghề, thu nhập của người lao động đạt cao và gần như không có hộ nghèo.
Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, thành phố hiện có 318 làng nghề đã được UBND thành phố công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội. Mỗi làng nghề được công nhận đều mang bản sắc riêng, có sản phẩm đa dạng, đa số mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước...
Tổng doanh thu từ 318 làng nghề, làng nghề truyền thống và làng có nghề trên địa bàn thành phố đạt trên 20.000 tỷ đồng/năm. Đơn cử, tại huyện Hoài Đức, 2 xã nghề có doanh thu cao là điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; bánh kẹo và dệt kim La Phù đạt 1.301 tỷ đồng… "Đáng chú ý, 4 làng nghề: Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), sinh vật cảnh thôn Cơ Giáo và Xâm Xuyên (cùng ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) có gắn kết với du lịch, bước đầu đạt kết quả tốt", Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí thông tin.
Tuy vậy, do quá trình đô thị hóa, hội nhập kinh tế, một số làng nghề của Hà Nội đang đối mặt với không ít khó khăn. Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, trước đây, toàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, tuy nhiên, cuối năm 2021, qua rà soát chỉ còn 806 làng, giảm 544 làng. Năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều làng nghề đình trệ, đặc biệt là các làng nghề có sản phẩm xuất khẩu và gắn với du lịch. Hầu hết cơ sở sản xuất đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ nguồn nguyên liệu đầu vào, nhân lực, nguồn vốn, đến cả đầu ra cho sản phẩm.
"Tiếp sức" cho làng nghề
Trước những khó khăn trên, các làng nghề đều mong muốn được thành phố hỗ trợ xây dựng trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng cần hỗ trợ hộ làm nghề vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất; quan tâm các dự án xử lý ô nhiễm môi trường, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật làng nghề…
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, xác định hỗ trợ làng nghề phát triển sẽ giúp xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững nên huyện tiếp tục hỗ trợ cơ sở ngành nghề nông thôn, hộ sản xuất trong làng nghề tham gia hội chợ, triển lãm, lễ hội nhằm quảng bá thương hiệu, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm làng nghề.
Là cơ quan tổng hợp, trình UBND thành phố Hà Nội về cơ chế, chính sách, biện pháp khuyến khích phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Năm 2022, Sở tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành các chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2021-2025 và xa hơn. “Trước mắt, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực làng nghề; lớp truyền nghề, nhân cấy nghề; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại làng nghề gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố”, ông Chu Phú Mỹ thông tin.
Cùng với Sở NN&PTNT, các sở, ngành của thành phố cũng có kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển làng nghề. Theo Sở Du lịch Hà Nội, Sở sẽ trình UBND thành phố về việc phê duyệt hồ sơ thiết kế ý tưởng, hồ sơ thiết kế sản xuất bộ nhận diện thương hiệu (logo) du lịch làng nghề, hệ thống biển chỉ dẫn du lịch và quà tặng lưu niệm du lịch Hà Nội để triển khai thực hiện. Liên minh Hợp tác xã thành phố cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã tại các làng nghề và hỗ trợ vay vốn với hợp tác xã, thành viên hợp tác xã các làng nghề. Số vốn ước thực hiện khoảng 12 tỷ đồng/35 dự án...
Với giải pháp thiết thực từ các sở, ngành, địa phương, hy vọng sẽ tạo thêm động lực giúp các làng nghề Hà Nội vượt qua khó khăn để phát triển, đồng thời bổ sung nguồn lực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.