Lao động - Việc làm

Hà Nội xây dựng đề án tổng thể phát triển làng nghề: Động lực cho làng nghề vươn xa

Nguyễn Mai 30/06/2024 - 06:37

Là “đất trăm nghề” nhưng làng nghề của Hà Nội đang đối diện với nhiều khó khăn và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Tạo động lực cho làng nghề phát triển bền vững, thành phố đang triển khai xây dựng Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các chuyên gia cho rằng, để đề án phát huy hiệu quả khi triển khai, những vấn đề như cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ cần phải được bàn thảo kỹ lưỡng, cụ thể.

anh-goc-dinh.jpg
Sản xuất gốm tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: TTXVN

Nhiều nhưng chưa mạnh

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố hiện có nhiều làng nghề nhất cả nước, với khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có 322 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Làng nghề Hà Nội hội tụ 47/52 nghề của cả nước, góp phần vào phát triển kinh tế chung của thành phố, tạo việc làm và sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh của Thủ đô ra thế giới.

Tuy nhiên, làng nghề Hà Nội vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế: Phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; mô hình tổ chức vận hành sản xuất của nhiều làng nghề chưa hiệu quả; chưa gắn với tiết kiệm nguyên liệu và bảo vệ môi trường…

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Khuất Văn Nhâm cho biết, toàn huyện có 50/59 làng có nghề, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng, như: Cơ, kim khí Phùng Xá; mộc, may Hữu Bằng; bánh chè lam thôn Thạch, xã Thạch Xá; mộc Chàng Sơn, Canh Nậu, Dị Nậu… Thế nhưng, nhìn tổng thể, các làng nghề của huyện còn nhỏ lẻ, quy mô sản xuất hộ gia đình.

san-xuat-quat-tai-xa-chang-son-huyen-thach-that-.-anh-do-tam.jpg
Sản xuất quạt tại xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất). Ảnh: Đỗ Tâm

Còn theo Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàng Mai Nguyễn Cường Hùng, nghề làm đậu Mơ của phường Mai Động (quận Hoàng Mai) có lịch sử lâu đời, sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng yêu thích. Tuy vậy, nghề làm đậu Mơ cũng khó phát triển, bởi phường Mai Động giờ đây đã trở thành đô thị. Các hộ sản xuất tại gia đình, trong khu dân cư khá chật chội, gây ô nhiễm môi trường…

Hỗ trợ tổng thể cho làng nghề

Những năm qua, thành phố Hà Nội có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ làng nghề nhưng còn nhỏ lẻ, lồng ghép với nhiều chính sách khác. Làng nghề thiếu chiến lược phát triển tổng thể trong dài hạn. Do đó, việc xây dựng Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết.

Trong dự thảo của đề án, thành phố Hà Nội đề ra nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, tôn vinh nghệ nhân; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; phát triển nghề mới; phát triển các làng nghề chủ lực gắn với tiềm năng và thế mạnh của địa phương; phát triển dịch vụ hỗ trợ và nâng cao vai trò của các tác nhân liên quan…

Thành phố đề ra các giải pháp phát triển làng nghề bền vững, đó là tập trung vào tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với công tác bảo tồn và phát triển làng nghề; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề; phát triển các vùng nguyên liệu cho sản xuất; đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất…

Để hoàn thiện đề án, Sở NN& PTNT Hà Nội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học, sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, việc xây dựng đề án là cần thiết; đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng đề án.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàng Mai Nguyễn Cường Hùng, để nghề làm đậu Mơ phát triển, quận cần tập hợp các hộ có nhu cầu sản xuất di chuyển ra khu vực vùng bãi, vừa giải quyết ô nhiễm môi trường, vừa có mặt bằng để phát triển, song lại vướng Luật Đê điều. Hy vọng, trong đề án tổng thể, khó khăn này sẽ được tháo gỡ...

Còn theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Khuất Văn Nhâm, đây là đề án lớn, phạm vi thực hiện đối với các làng nghề trên toàn thành phố, nên cần cân nhắc đến đặc thù riêng của từng nhóm nghề để có cơ chế hỗ trợ phù hợp. Chẳng hạn, Thạch Thất có nhiều nghề thủ công truyền thống, như quạt Chàng Sơn, chuồn chuồn tre Thạch Xá… sản xuất bằng tay và do nghệ nhân giỏi thực hiện là chính nên không nhất thiết phải ứng dụng khoa học, kỹ thuật...

Trong khi đó, Phó Trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch Hà Nội Phạm Diễm Hảo cho rằng, làng nghề là tài nguyên quý báu để phát triển du lịch. Bởi vậy, cần phát huy giá trị, lan tỏa, tôn vinh để người dân tự hào về nghề, yêu nghề, hạn chế được sự mai một của nghề.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn thiện để trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt và triển khai thực hiện. Đây được xem là "đòn bẩy", tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững và vươn xa, gắn với bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của làng nghề, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng, Hà Nội nói chung.

Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh: Bà đỡ, tay vịn cho làng nghề

638544992424714912-ba-vinh.jpg

Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quan trọng, là tin vui cho các làng nghề của Hà Nội. Tuy nhiên, cần phải chi tiết đề án, gắn với việc triển khai thực hiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức... Đối với chính quyền các cấp cần phải nắm chắc đề án để khi triển khai mới có thể hỗ trợ người dân thực hiện. Còn các sở, ban, ngành cùng tham gia hỗ trợ làng nghề thay đổi quy trình sản xuất, xúc tiến thương mại cho các làng nghề…

Vai trò của hội và các hiệp hội rất quan trọng, họ rất hiểu nghề. Chẳng hạn, tôi vừa là Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, vừa là đời thứ 15 trong gia đình làm gốm sứ, nên tôi hiểu người làm nghề cần gì nhất để tham mưu, là cánh tay nối dài của chính quyền các cấp.

Cùng cơ chế, chính sách hỗ trợ của thành phố, với sự vào cuộc của các sở, ban, ngành; quận huyện, thị xã; các hội, hiệp hội sẽ là “bà đỡ”, “tay vịn” cho các làng nghề phát triển.

Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Bùi Hồng Hà:
Hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất

638544992416290102-ba-bui-hong-ha.jpeg

Ở thị xã Sơn Tây, làng nghề trải dài trên nhiều lĩnh vực, chủ yếu là các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm. Hiện tại, nhiều hộ sản xuất ở các làng nghề đã đưa máy móc vào sản xuất. Làng bánh tẻ Phú Nhi xưa xay bột, thái thịt, hành, mộc nhĩ hoàn toàn bằng tay, thì nay các hộ đã có máy xay bột, thái hành, mộc nhĩ, thịt, đánh bột, tủ hấp bánh… Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất ở làng nghề ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất vẫn còn hạn chế.

Tôi mong rằng, trong “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050” sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các làng nghề áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển tốt hơn. Tôi cũng đề nghị đưa thêm vào “danh mục” công nhận nghệ nhân lĩnh vực ẩm thực. Hiện, Hà Nội có nhiều làng nghề ẩm thực gắn với những người thợ tài hoa, khéo léo, có nhiều tâm huyết với nghề, song chưa được xét công nhận danh hiệu nghệ nhân.

Phó Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Phương Thảo:
Có cơ chế hỗ trợ phù hợp

638544992431579572-ong-nguyen-phuong-thao.jpeg

Hà Nội hiện có nhiều làng nghề, như: Thủ công mỹ nghệ, cơ kim khí, dệt may, đồ gỗ, da giày, chế biến nông sản… Do vậy, khi xây dựng đề án cần phân ra thành các nhóm để có các cơ chế hỗ trợ phù hợp. Với các nhóm nghề gây ô nhiễm môi trường, phải đưa ra xa khu dân cư, vào các điểm sản xuất tập trung. Các nhóm nghề ô nhiễm môi trường vừa phải, thì khuyến cáo các công đoạn, hạng mục gây ô nhiễm môi trường đưa ra ngoài và những công đoạn sản xuất không ô nhiễm vẫn có thể sản xuất trong khu dân cư. Một số nghề không gây ô nhiễm môi trường, không cần diện tích sản xuất lớn, không nhất thiết phải đưa ra xa khu dân cư…

Đề án cũng cần chỉ rõ bảo tồn các làng nghề hiện có và có khả năng phát triển; khôi phục các làng nghề truyền thống đã bị mai một, có khả năng phát triển hoặc giữ lại làm bảo tồn văn hóa; hạn chế không phát triển một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường, như tái chế nhựa, tái chế giấy…

Minh Phú ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội xây dựng đề án tổng thể phát triển làng nghề: Động lực cho làng nghề vươn xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.