(HNM) - Trang trại ở Hà Nội ngày càng nhiều, nhất là sau khi hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa - là cơ sở thuận lợi để người dân mở rộng quy mô, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, đa số trang trại phát triển chưa bền vững.
Đa dạng mô hình trang trại
Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.230 trang trại theo tiêu chí mới, trong đó có 920 trang trại chăn nuôi, gần 190 trang trại nuôi trồng thủy sản, 120 trang trại kinh doanh tổng hợp... Ngoài ra, còn gần 2.500 mô hình sản xuất quy mô vừa và nhỏ với tổng diện tích đất sử dụng gần 15.000ha. Phát triển mô hình kinh tế trang trại đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Một trang trại nuôi cá ở xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) cho giá trị cao. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, trong số các trang trại, mô hình sản xuất của Hà Nội hiện nay, có gần 700 mô hình cho thu nhập từ 1 đến 3 tỷ đồng/năm, còn lại cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm. Sự phát triển đa dạng các loại hình kinh tế trang trại đã, đang đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành Nông nghiệp Thủ đô. Thống kê cho thấy, phát triển đa dạng các mô hình trang trại đã góp phần nâng tổng đàn lợn của thành phố lên 1,4 triệu con, gia cầm trên 24,5 triệu con, nuôi trồng thủy sản là trên 21.000ha... Sản lượng thịt hơi cung cấp cho thị trường khoảng 390.000 tấn/năm, hơn 1,1 tỷ quả trứng/năm, thủy sản gần 77.000 tấn... Ngoài ra, hằng năm, Hà Nội còn duy trì được hơn 13.000ha diện tích vườn trại trồng cây ăn quả, trên 5.000ha rau an toàn, nâng tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp Thủ đô lên 44.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp chưa "bắt tay" với nông dân
Kinh tế trang trại có sự đóng góp lớn thế nhưng lâu nay, nông dân vẫn tự xoay xở để duy trì và phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại tổng hợp ở huyện Quốc Oai, khó khăn nhất đối với các trang trại hiện nay là nguồn vốn. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng đều ngại cho vay trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bởi thu hồi vốn chậm, có tính rủi ro cao. Hơn nữa, để đủ điều kiện vay vốn, các chủ trang trại phải xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hợp lý và có tài sản thế chấp. Trong khi đó, các trang trại lại chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để thế chấp nên ngân hàng không dám cho vay, dẫn đến mất cơ hội đầu tư, mở rộng sản xuất.
Trường hợp các ông Kiều Văn Hiện, Kiều Duy Toan ở xã Đồng Trúc (Thạch Thất) là ví dụ điển hình. Theo ông Hiện, khi xây dựng trang trại chăn nuôi gà, hai ông đã chạy đôn chạy đáo tới các ngân hàng cũng chỉ được vay 300 triệu đồng, trong khi nhu cầu vốn vay phải trên 1 tỷ đồng. "Nguồn vốn không đủ xây dựng khiến chúng tôi mất cơ hội đầu tư, phát triển kinh tế" - ông Hiện cho biết.
Những bất cập khác khiến kinh tế trang trại phát triển thiếu bền vững là chưa có sự liên kết giữa các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm chăn nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; thủ tục cấp GCNQSDĐ còn chậm, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư của các trang trại. Sản phẩm chăn nuôi của các trang trại chủ yếu tiêu thụ qua các thương lái nên thường bị ép giá gây thua thiệt cho người chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm, hiện nay xã Cấn Hữu có 71 trang trại chăn nuôi được xây dựng theo mô hình chi hội, nhóm hộ chăn nuôi cũng chỉ hỗ trợ nhau về kỹ thuật, con giống, còn chủ yếu vẫn tiêu thụ theo kiểu "mạnh ai nấy làm", rất khó để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, an toàn và khoa học. Ông Lâm đề xuất, cần xóa bỏ rào cản trong mối liên kết "bốn nhà" mà chủ yếu là giữa doanh nghiệp và người dân. Do thiếu niềm tin ở nhau nên mối quan hệ vốn đã lỏng lẻo càng trở nên xa cách. Chính vì vậy, phải có cầu nối kéo doanh nghiệp đến với người dân và người dân tin tưởng doanh nghiệp, sự liên kết mới lâu dài và hiệu quả.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện Sở đang cho điều tra, khảo sát hiện trạng các mô hình trang trại, vườn trại... để xây dựng phương án hỗ trợ hợp lý; Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn... Bên cạnh đó sẽ nghiên cứu, đề xuất thành phố có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư lâu dài vào lĩnh vực nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.