Kinh tế

Phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu ở miền Bắc: Cần thêm cơ chế hỗ trợ đặc thù

Bảo Hân 06/07/2023 - 06:33

Trong bối cảnh nguồn cung ứng điện ở miền Bắc gặp khó khăn, vừa qua, việc khai thác điện mặt trời mái nhà một lần nữa được đặt ra cấp thiết. Từ kinh nghiệm phát triển điện mặt trời hiệu quả ở miền Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, để khai thác hiệu quả loại điện năng này ở miền Bắc cần thêm các cơ chế hỗ trợ đặc thù.

nang-luong.jpg
Hệ thống điện mặt trời áp mái tại Công ty Điện lực Nam Từ Liêm.

Nhiều ưu đãi tạo động lực

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại hộ gia đình, công trình xây dựng ở những khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc. Quy hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Theo Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng, cơ cấu nguồn điện mặt trời đến năm 2030 là 12.836MW, gồm 10.236MW nguồn điện mặt trời tập trung và 2.600MW nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Trong đó, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.

Tại Báo cáo số 74/BC-BCT vừa trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo quyết định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đề xuất khi đầu tư phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà, chủ đầu tư được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi...

Cơ chế này cũng không giới hạn về quy mô công suất lắp đặt. Tuy nhiên, hệ thống phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường và phòng, chống cháy nổ theo quy định hiện hành. Bộ Công Thương đồng thời lưu ý, các cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện này sẽ chỉ áp dụng cho hệ thống điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở các doanh nghiệp tại Việt Nam để tự sử dụng mà không bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác.

Chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) Hà Đăng Sơn nhận định, những ưu đãi trên sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư loại hình điện năng này. Tuy nhiên, tại miền Bắc, yếu tố tự nhiên khách quan và nguyên tắc vận hành của điện mặt trời là tự sản, tự tiêu. Đây cũng là trở ngại cho sự phát triển, dù nhiều ưu đãi đang được mở ra.

Tháo gỡ rào cản

Về tiềm năng phát triển điện mặt trời ở nước ta, báo cáo của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho thấy, tổng tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời khá lớn, vào khoảng 914.000MW. Trong khi công suất khai thác hiện chỉ được gần 2% so với tổng tiềm năng.

Riêng tiềm năng điện mặt trời mái nhà ước tính vào khoảng 48.000MW, trong đó, khu vực miền Nam khoảng 27.000MW (chiếm hơn 56%). Thời gian qua, đây cũng là những địa phương có số lượng dự án, tổng công suất lắp đặt cao nhất trên toàn quốc. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, tiềm năng phát triển và ứng dụng điện mặt trời mái nhà đạt hơn 4.000MW.

“Sự phát triển của điện mặt trời mái nhà ở khu vực miền Trung và Nam Bộ cho thấy đây là giải pháp dễ triển khai, đem lại hiệu quả về kinh tế lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Việc ban hành các cơ chế khuyến khích sẽ thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà, nhưng đối với khu vực miền Bắc sẽ có những khó khăn nhất định”, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn nêu.

Cụ thể, miền Bắc “yếu thế” hơn hẳn miền Trung hay miền Nam vì bức xạ mặt trời trung bình chỉ đạt 1.500-1.700 giờ nắng/năm (miền Trung và miền Nam có 2.000-2.600 giờ nắng/năm). Do đó, các hộ dân phải đối mặt với bài toán kinh tế khi bỏ ra khoản chi phí đầu tư không nhỏ nhưng do số giờ nắng ít, điện cung cấp không được như kỳ vọng, thậm chí bị gián đoạn bởi yếu tố thời tiết.

Một trở ngại khác là điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vận hành theo nguyên tắc hệ thống có bộ điều khiển khống chế điện, dù dư thừa cũng không được đẩy ngược lên lưới phân phối điện để bán.

Theo ông Hà Đăng Sơn, cơ chế vận hành này phần nào gây lãng phí và cứng nhắc. Để khắc phục, cần tính đến việc các hộ dân khi dư thừa điện có thể ký hợp đồng bán điện trong phạm vi nhất định theo thỏa thuận được kiểm soát, áp mức giá bán lẻ và có khai báo thuế. Đối với các tòa nhà công sở có diện tích mái nhà lớn, Chính phủ có thể hỗ trợ bằng cách bố trí nguồn vốn đầu tư công để phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

“Để tiếp cận dòng vốn ưu đãi trong đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà, trên thực tế cần những quy định cụ thể hơn. Đặc biệt, đối với khu vực miền Bắc, nếu không có hỗ trợ cụ thể về tài chính, lãi suất, nguồn vốn, thậm chí là trợ giá thì rất khó thúc đẩy đầu tư các dự án điện mặt trời mái nhà”, ông Sơn nhận định.

Mốc thời gian năm 2030 cũng không còn xa. Lộ trình cần 2.600MW điện mặt trời tự sản, tự tiêu sẽ không dễ dàng đạt được chừng nào những rào cản trong phát triển nguồn điện năng này tại khu vực miền Bắc chưa được tháo gỡ. Và mỗi mùa nắng nóng cao điểm, khi thủy điện gặp khô hạn, nhiệt điện than vướng sự cố thì nguy cơ thiếu hụt nguồn cung điện vẫn có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu ở miền Bắc: Cần thêm cơ chế hỗ trợ đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.