(HNM) - Qua giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, giai đoạn 2016-2021” cho thấy, việc phát triển điện mặt trời mái nhà tại thành phố Hà Nội đang gặp nhiều vướng mắc. Để điện mặt trời mái nhà trở thành nguồn năng lượng xanh quan trọng của Thủ đô trong tương lai, yếu tố quan trọng là cần bảo đảm hài hòa lợi ích, nhất là của người dân.
Còn vướng mắc
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến năm 2021, thành phố đã lắp đặt được 2.102 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất 33,82MWp. Sản lượng điện mặt trời mái nhà tăng qua các năm, đến hết năm 2021 đạt gần 19 triệu kWh. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, các dự án điện mặt trời trên địa bàn thành phố đều là dự án điện mặt trời mái nhà, công suất dưới 1MW và theo quy định không phải thực hiện bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện lực.
“Thành phố có tiềm năng lớn để khai thác nguồn năng lượng mặt trời trên mái nhà tại tòa nhà, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, bệnh viện, trường học… Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế, chính sách quy định về việc cho thuê phần diện tích mái của các công trình được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công”, ông Nguyễn Đình Thắng nói.
Bên cạnh đó, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đã hết hiệu lực và hiện chưa có cơ chế mới để áp dụng. Thực tế hiện nay, nhiều hộ gia đình có nhu cầu đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để sử dụng và bán một phần dư lên lưới điện. Anh Tạ Văn Hùng (quận Hà Đông) cho biết, anh có nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà nhưng chưa quyết định đầu tư vì cơ chế đấu nối với lưới điện quốc gia hiện tạm dừng.
Mặt khác, từ đầu tháng 1-2022, quy định của ngành Điện lực yêu cầu các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà phải đăng ký, bổ sung ngành nghề kinh doanh bán điện theo quy định của pháp luật, không kể quy mô hệ thống. Theo Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI), đến hết ngày 15-12-2022 đã có 1.781 khách hàng bổ sung đăng ký kinh doanh ngành nghề điện mặt trời mái nhà. Các khách hàng chưa thực hiện bổ sung đăng ký kinh doanh (304 khách hàng) vì các nguyên nhân không phối hợp thực hiện do thu nhập từ mua bán điện mặt trời thấp, liên quan đến việc kê khai thuế; không đủ điều kiện đăng ký do địa chỉ lắp đặt là mái nhà khu tập thể, chung cư...
Cần có cơ chế đặc thù
Trên cơ sở thực tiễn phát triển năng lượng tại Thủ đô, Sở Công Thương Hà Nội và EVNHANOI kiến nghị nghiên cứu, áp dụng cơ chế đặc thù phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn. Đồng thời có hướng dẫn cụ thể để giải quyết những vướng mắc trong công tác quản lý mua - bán điện mặt trời mái nhà.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn năm 2023 của UBND thành phố đã phê duyệt kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu đánh giá tác động và đề xuất giải pháp quản lý hệ thống điện mặt trời mái nhà. Đáng chú ý, thành phố đặc biệt quan tâm đến việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trụ sở cơ quan, đơn vị, dự án điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà có mục đích tự dùng, giảm công suất phụ tải đỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Tổng Giám đốc EVNHANOI Nguyễn Danh Duyên thông tin, trong thời gian tới, đơn vị tập trung thông tin, tuyên truyền về các chính sách điện mặt trời mái nhà để tạo sự đồng thuận từ người dân. Đồng thời, đơn vị cùng với các sở, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu đề xuất với cấp có thẩm quyền cho phép thành phố Hà Nội nghiên cứu, áp dụng cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, những kiến nghị về các vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật phát triển năng lượng, nhất là điện mặt trời mái nhà trên địa bàn thành phố Hà Nội là xác đáng. Đây cũng là những vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà hiện nay của cả nước. Trên cơ sở các ý kiến trao đổi tại buổi giám sát ở thành phố Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Tạ Đình Thi cho biết, Đoàn giám sát sẽ cùng các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện báo cáo, trình Quốc hội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển điện mặt trời mái nhà hiện nay, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.