(HNM) - Trong bối cảnh thiếu điện như hiện nay, việc tận dụng năng lượng mặt trời dồi dào ở các tỉnh phía Nam bằng những dự án điện mặt trời mái nhà được nhắc đến nhiều hơn. Tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp gặp thuận lợi thì việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà ở trụ sở cơ quan nhà nước và nhà dân ở các tỉnh phía Nam lại đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần sớm có giải pháp gỡ vướng...
Lợi ích thiết thực
Công ty TNHH Mondelez Kinh Đô Việt Nam có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh và 2 nhà máy lớn ở các tỉnh Bình Dương và Hưng Yên. Đây là doanh nghiệp đã và đang thực hiện các dự án năng lượng tái tạo lớn nhất Đông Nam Á. Cụ thể, tại tỉnh Bình Dương, công ty đang lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà gồm 5.458 tấm pin mặt trời với công suất hệ thống 2.999 KWp, sản lượng hơn 4,5 triệu kWh/năm, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 1-2024.
Trước đó, tại tỉnh Hưng Yên, công ty đã hoàn thành lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời với công suất 2.233 KWp trên mái tôn nhà xưởng; sản lượng hơn 2,399 triệu kWh điện/năm. Những dự án điện mặt trời mái nhà trên giúp doanh nghiệp tự túc một phần lượng điện tiêu thụ trong sản xuất.
Ngoài ra, theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mondelez Kinh Đô Việt Nam Anil Viswanathan, điện năng lượng tái tạo còn giúp doanh nghiệp cắt giảm phát thải hơn 83.000 tấn CO2 trong 25 năm tới, tương đương với việc trồng gần 7 triệu cây xanh, phục vụ đắc lực cho chiến lược sản xuất xanh của doanh nghiệp.
Tỉnh Bình Dương cũng là nơi Tập đoàn Lego (Đan Mạch) chọn làm địa điểm thực hiện dự án nhà máy sản xuất đồ chơi có tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD. Đáng chú ý, đây là nhà máy đầu tiên trên thế giới của Lego dùng 100% năng lượng tái tạo vào vận hành. Theo đó, doanh nghiệp xây dựng trong khuôn viên dự án một trang trại điện mặt trời công suất 50MW, cung cấp cho nhà máy. Dự án đang được xây dựng với tốc độ rất nhanh và dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2024.
Ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn Lego, phụ trách dự án tại Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 vì điều này phù hợp với định hướng sản xuất, kinh doanh của Lego với mục tiêu trung hòa các bon trong sản xuất. “Chúng tôi đầu tư xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời, sản xuất đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng 100% yêu cầu hằng năm của nhà máy cũng để khẳng định rõ định hướng phát triển xanh và bền vững tại Việt Nam”, ông Preben Elnef nói.
Cần sớm có cơ sở pháp lý rõ ràng
Từ cuối năm 2022, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn cơ chế để Sở phối hợp cùng doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại trụ sở làm việc của 8 sở, ngành và Trung tâm Hành chính công của tỉnh. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng về vấn đề này, nên EVN chưa thể hướng dẫn chi tiết.
Cụ thể, hiện chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng quy định về điều kiện, trình tự thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn lắp đặt, yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự dùng tại công sở. Cùng với đó, các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt trong phạm vi quản lý của chủ đầu tư, không thuộc phạm vi quản lý của đơn vị điện lực, nên việc ngành Điện đồng ý hay không đồng ý với những dự án này dễ dẫn đến những phản ứng tiêu cực. Khi có sự cố xảy ra trong quá trình sử dụng, chưa có quy định về trách nhiệm các bên. Theo EVN, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm phải ban hành các quy trình, quy chuẩn liên quan để phát triển lĩnh vực này.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, tiềm năng điện mặt trời mái nhà có thể đạt khoảng 5.081 MWp. Trong số này, công sở có thể đóng góp 3,27%, hộ gia đình đóng góp 62,34%, còn lại là cơ sở thương mại, dịch vụ. Nhưng tính đến tháng 6-2023, thành phố mới huy động được 7% tiềm năng. Với công sở, điểm vướng lớn nhất cũng là chưa có quy định cụ thể về việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà; cơ chế hợp tác với các nguồn lực để lắp đặt và khai thác hệ thống này; nguồn vốn huy động và quản lý lắp điện mặt trời.
Với hộ dân, ông Trương Trung Kiên, ngụ tại huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, sẽ phải đầu tư từ 60-80 triệu đồng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất 5 KWp. Vốn đầu tư lớn nhưng khó đi vay, trong khi ngành Điện lại dừng mua điện dư, nên gia đình ông chưa lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) Bùi Trung Kiên, hệ thống lưới điện của thành phố Hồ Chí Minh có thể giải tỏa hết công suất điện mặt trời mái nhà, không phải đầu tư xây dựng thêm lưới điện truyền tải. Thành phố đã đề xuất Trung ương sớm hướng dẫn quy trình thực hiện; cơ chế hỗ trợ vốn phát triển điện mặt trời mái nhà và cơ chế thu mua lượng điện thừa để các nhà đầu tư sẵn sàng xây dựng dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.