Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển cây ăn quả có múi: Không để vượt tầm kiểm soát

Bạch Thanh| 14/12/2020 06:13

(HNM) - Hiện nay, cây có múi thuộc nhóm chủ lực, có diện tích lớn nhất trong tổng diện tích cây ăn quả. Dù vậy, việc phát triển "nóng" cây có múi đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường, chất lượng sản phẩm. Do đó, cần thực hiện triệt để các giải pháp để việc phát triển cây ăn quả có múi không ngoài tầm kiểm soát.

Chăm sóc cam đường tại xã Kim An (huyện Thanh Oai), một loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Ảnh: Thái Hiền

Diện tích tăng “nóng”, thêm nhiều nỗi lo

Những năm gần đây, với hiệu quả kinh tế đạt 200-800 triệu đồng/ha/năm, trồng cây ăn quả có múi (bưởi, cam, chanh...) cho giá trị gấp nhiều lần so với trồng lúa, đã và đang là nhóm cây trồng chủ lực trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp của nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Diện tích, sản lượng cây ăn quả có múi cả nước liên tục tăng cao.

Thực tế tại thành phố Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, những năm 2007-2008, diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn thành phố chỉ khoảng hơn 2.000ha, tổng sản lượng trên dưới 10.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đến nay, tổng diện tích cây có múi của Hà Nội lên tới gần 10.000ha (chiếm gần 50% diện tích cây ăn quả toàn thành phố) với sản lượng khoảng 97.000 tấn/năm. Dự báo sản lượng tiếp tục tăng khi số cây trồng cách đây 2-3 năm sẽ cho khai thác.

Trong khi đó, hiện tổng diện tích cây ăn quả có múi của cả nước là 235.216ha. Đáng chú ý, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích cây có múi ở các tỉnh miền Bắc trong 10 năm trở lại đây tăng theo cấp số nhân, hiện đạt khoảng 121.000ha, chiếm 47,5% diện tích cây có múi của cả nước. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Văn Đức cho hay, diện tích và sản lượng cây ăn quả có múi cả nước tăng liên tục nhưng việc tiêu thụ hiện chủ yếu ở dạng quả tươi tại thị trường nội địa dẫn tới tiềm ẩn nỗi lo về thị trường tiêu thụ. Điển hình là năm nay, giá bưởi, giá cam giảm mạnh so với năm trước.

Ông Nguyễn Văn Quang (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) cho biết: Chỉ những loại bưởi có chất lượng cao mới tìm được chỗ đứng trên thị trường, còn lại rất khó tiêu thụ hoặc chỉ được giá thấp 8.000-10.000 đồng/quả tại vườn. Trong khi chỉ mới năm trước, giá bưởi tại vườn thường từ 20.000 đồng/quả trở lên.

Ở góc độ khác, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Núi Bé (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) Phùng Văn Hà cho hay, các giống cây có múi có nguồn gốc địa phương vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu; không ít giống đã thoái hóa, nhiều hạt; tỷ lệ các giống mới chọn tạo, giống nhập nội chưa cao... Sự phát triển quá “nóng” diện tích cây có múi trong khi chất lượng giống chưa được kiểm soát đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây ô nhiễm nguồn nước, đất. Còn Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh nêu thực trạng: Diện tích cây có múi của tỉnh tăng mạnh nhưng việc bảo quản, sơ chế, chế biến trái cây vẫn thô sơ, chưa có nhà máy chế biến sâu...

Chú trọng bảo đảm chất lượng

Nhờ chú trọng chất lượng, mô hình trồng bưởi ở vùng đồi gò huyện Sóc Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của cây ăn quả có múi trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, nếu như 10 năm trước, việc quản lý giống cây ăn quả có múi gần như bị bỏ ngỏ thì nay được xem là yếu tố then chốt của các địa phương. Bên cạnh việc các cơ quan chức năng của Bộ và địa phương cần làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo thị trường; rà soát, xây dựng quy hoạch canh tác, xác định chủng loại, quy mô, hình thành các vùng sản xuất tập trung; đồng thời, chú trọng xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm... thì việc sản xuất giống cây phải tập trung tại các cơ sở quy mô lớn, tránh tình trạng “nhà nhà làm giống”, ảnh hưởng đến tuổi thọ, năng suất, chất lượng cây trồng, không kiểm soát được dịch bệnh. Đây là yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng và nâng giá trị cây có múi.

Tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa thông tin: Thành phố đã có “Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2021-2025” với kinh phí thực hiện gần 246 tỷ đồng. Theo đó, Hà Nội hỗ trợ các địa phương 100% giống hoàn toàn sạch bệnh và là giống đầu dòng, cây giống bảo đảm Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9302:2013. Thành phố cũng đang từng bước hình thành trung tâm giống cây ăn quả công nghệ cao, trong đó chủ lực là cây có múi. Ngoài ra, Hà Nội đã áp dụng việc bảo quản bưởi bằng phương pháp tạo màng, thời gian bảo quản có thể tăng thêm 60 ngày.

Ở góc độ cơ sở sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Núi Bé xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Phùng Văn Hà nêu: Để cây có múi phát triển bền vững, ngoài việc chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm với các kênh phân phối hiện đại, mạnh dạn đầu tư phát triển công nghệ, có thêm sản phẩm sau thu hoạch... các cơ sở sản xuất cần hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng hữu cơ. Đây là yếu tố quan trọng, giúp các cơ sở sản xuất có thể cung cấp cho thị trường những sản phẩm cây có múi đạt chất lượng cao, có giá bán ổn định.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định, Hà Nội sẽ phát triển cây có múi trong tầm kiểm soát, bao gồm kiểm soát diện tích trồng, chất lượng giống và sản phẩm đầu ra. Thời gian tới, Hà Nội tập trung nâng cao chất lượng các vùng bưởi, cam hiện có, giữ vững thị trường tiêu thụ. Đến năm 2025, Hà Nội chỉ trồng mới 200ha với các giống: Bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi Thồ Bạch Hạ... Cùng với hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả theo hướng hữu cơ, liên kết tiêu thụ, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến, bảo quản sản phẩm...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển cây ăn quả có múi: Không để vượt tầm kiểm soát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.