Nông nghiệp

Bám sát đồng ruộng để vụ xuân thắng lợi

Ngọc Quỳnh 14/05/2025 - 06:31

Thời điểm này, lúa xuân đang làm đòng, trỗ bông trong bối cảnh thời tiết nắng nóng xen mưa, sâu bệnh dễ phát sinh gây hại. Để vụ xuân thắng lợi, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội khuyến cáo các địa phương cùng nông dân chủ động bám sát đồng ruộng, có biện pháp phòng chống sâu bệnh kết hợp với chăm sóc tốt lúa, rau màu...

vu-lua.jpg
Cán bộ ngành Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội kiểm tra chất lượng lúa tại huyện Mê Linh. Ảnh: Tùng Nguyễn

Xuất hiện sâu bệnh, chuột gây hại

Trên cánh đồng các xã Cao Xuân Dương, Thanh Văn, Tân Ước... của huyện Thanh Oai, nông dân đang tất bật chăm sóc lúa, ngô, hoa màu.

Ông Ngô Văn Hùng ở xã Cao Xuân Dương cho biết, vụ xuân năm nay, gia đình ông trồng 3 sào lúa, 2 sào ngô. Hiện, trên ngô đang có sâu xám gây hại nhẹ; cây lúa xuất hiện ốc bươu vàng, rầy nhẹ, nếu không xử lý kịp thời, năng suất sẽ giảm…

Bà Đặng Thị Linh ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cũng lo lắng cho hay, vụ xuân này, gia đình trồng 5 sào lúa, đang trong thời kỳ làm đòng đúng lúc thời tiết bất thường, nắng nóng kèm mưa, sâu bệnh dễ phát sinh. Ngoài ra, trên cánh đồng còn xuất hiện chuột. Mặc dù gia đình bà đã dùng nhiều biện pháp bẫy, nhưng một số diện tích lúa vẫn bị chuột phá hại...

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Vũ Thanh Quỳnh, lúa xuân đang tập trung giai đoạn làm đòng - trỗ; đối với diện tích cấy sớm trước ngày 4-2 (khoảng 16.406,7ha) đang giai đoạn trỗ - chín sáp. Diện tích lúa trỗ là 16.856ha, đạt 21,1% tổng diện tích gieo trồng. Về rau màu vụ xuân, toàn thành phố gieo trồng 22.085,2ha, đạt 101,9% so với kế hoạch. Tuy nhiên, hiện nay, trên lúa xuất hiện dịch bệnh như đạo ôn lá, tỷ lệ gây hại phổ biến 3-5% lá, mức cao 7-10% lá, mức cục bộ >20% lá (cấp 3-5). Mức độ, diện tích gây hại giảm so với kỳ trước, tập trung tại các huyện: Ứng Hòa, Thạch Thất, Thanh Oai. Đối với chuột gây hại, tỷ lệ phổ biến 3-5% dảnh, mức cao 7-10% dảnh, mức cục bộ 15-20% dảnh; mức độ, diện tích gây hại tăng so với kỳ trước, tập trung tại các huyện: Ứng Hòa, Thạch Thất, Sóc Sơn. Bệnh khô vằn tiếp tục gây hại với tỷ lệ phổ biến 3-5% dảnh, mức cao 10-15% dảnh, mức cục bộ 25-30% dảnh (cấp 3-5), tập trung ở các huyện: Ứng Hòa, Thanh Oai, Thạch Thất. Ngoài ra, bọ rầy, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, sâu cuốn lá... cũng đang gây hại nhẹ.

Về hoa màu, trên cây ngô, sâu keo đang gây hại với mật độ phổ biến 1-2 con/m2, mức cao 3-4 con/m2. Chuột cũng gây hại ở một số diện tích ngô, tỷ lệ phổ biến 3-5% cây, mức cao 7-10% cây, tập trung tại các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì. Ngoài ra, các bệnh đốm lá, khô vằn, sâu đục bắp… gây hại rải rác. Trên cây rau xuất hiện bọ nhảy, sâu xanh bướm trắng, sâu tơ, sâu khoang... Mức độ gây hại phổ biến từ nhẹ đến trung bình. Các bệnh sương mai, giả sương mai, thối nhũn... cũng gây hại nhẹ.

Tăng cường giám sát, có biện pháp phòng trừ

Dự báo thời gian tới, một số sinh vật gây hại như chuột, bệnh đạo ôn cổ bông, bọ rầy, bệnh khô vằn, bệnh đốm sọc vi khuẩn - bạc lá trên cây lúa; sâu đục bắp, bệnh đốm lá trên cây ngô; bọ nhảy, sâu xanh bướm trắng, sâu tơ, rệp trên cây rau... sẽ tiếp tục gây hại mạnh.

Để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch Thất Nguyễn Bùi Hải cho biết, Trung tâm đang tăng cường kiểm tra đồng ruộng để dự báo chính xác mức độ, phạm vi gây hại của từng đối tượng sâu bệnh; phân loại trà lúa, giống lúa để có biện pháp quản lý sâu bệnh gây hại phù hợp. Cùng với đó, Trung tâm hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ kịp thời, an toàn, hiệu quả. Đối với những diện tích bị sâu bệnh gây hại nặng, cán bộ sẽ đến từng ruộng, từng hộ, hướng dẫn cụ thể biện pháp phòng trừ, không để sâu bệnh lây lan, gây hại nặng trên diện rộng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Vũ Thanh Quỳnh đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện một số biện pháp, như: Đối với diện tích cây lúa giai đoạn làm đòng, trỗ bông, vào chắc, cần giữ mực nước trong ruộng ổn định trong khoảng 5-7cm để lúa làm đòng, trỗ bông thuận lợi và hạn chế tác hại của nắng nóng; có biện pháp bảo đảm đủ nước tưới dưỡng cho rau màu, cây ăn quả. Đồng thời, nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến tình hình gây hại của chuột, bệnh đạo ôn cổ bông, bọ rầy, sâu đục thân 2 chấm, bệnh khô vằn; phân loại trà lúa, giống lúa, xác định mật độ sâu, tỷ lệ bệnh, diện tích cần phòng trừ từng đối tượng...

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc rau màu và cây trồng khác, như: Bón thúc, vun xới, bảo đảm tưới tiêu phù hợp để cây trồng sinh trưởng, phát triển thuận lợi, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, sinh thái. Đặc biệt, các địa phương cần lưu ý những ngày nắng nóng để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phủ rơm rạ mặt ruộng, làm giàn che lưới, tưới nước vào sáng sớm và chiều mát, tỉa bớt cây héo, cây khó phục hồi; những nơi chủ động tưới tiêu có thể duy trì thường xuyên nước trong rãnh để làm mát cho rau màu.

Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn để cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng, phục vụ sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bám sát đồng ruộng để vụ xuân thắng lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.