(HNMO) - Theo Straits Times ngày 18-1, báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, phát thải toàn cầu của khí methane gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động sản xuất dầu và khí đốt giảm 10% vào năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng sụt giảm, thay vì những hành động nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Methane là loại khí nhà kính nguy hiểm chỉ sau khí carbon dioxide (CO2) và có thể đạt sức nóng gấp 80 lần so với CO2 trong 20 năm đầu tiên tồn tại trong khí quyển. Loại khí này có khả năng bị rò rỉ từ các cơ sở hạ tầng dầu khí, trong khi những ngành công nghiệp khác và cả nông nghiệp đều là những lĩnh vực phát thải lượng lớn khí methane.
IEA cho biết, trong năm 2020, các hoạt động khai thác dầu và khí đốt đã thải ra hơn 70 triệu tấn khí methane, ít hơn khoảng 10% so với năm 2019. Cũng theo cơ quan này, sản lượng dầu và khí đốt sụt giảm trong năm 2020 là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giảm phát thải khí methane.
Hồi tháng 4-2020, các quốc gia thành viên OPEC+ đã đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 10 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nhu cầu toàn cầu trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
IEA đồng thời cảnh báo về nguy cơ xu hướng giảm khí methane sẽ bị đảo ngược do sự gia tăng sản xuất nhằm thúc đẩy và phục hồi hoạt động kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, kịch bản phát triển bền vững (SDS) của IEA cho thấy, tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ được hạn chế ở mức có thể kiểm soát được nếu lượng khí thải methane trong lĩnh vực năng lượng giảm xuống dưới 50 triệu tấn vào năm 2025 và dưới 25 triệu tấn vào năm 2030.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.