(HNMO) - Sáng 19-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại điểm cầu của UBND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng đông đảo các sở, ngành liên quan, những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc trên địa bàn Thủ đô đã tham dự.
Ảnh minh họa |
Dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm của Ủy ban Dân tộc, Bộ Công an, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tại hội nghị nêu rõ, đội ngũ người có uy tín giữ vai trò quan trọng trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước và vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nói chung, chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc nói riêng. Việc vận động, phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp xác định là nội dung quan trọng, có ý nghĩa chính trị to lớn, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc và miền núi.
Thời gian qua, qua lựa chọn, bình xét, trên toàn quốc đã có trên 31 nghìn người có uy tín được UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt và thực hiện các chế độ chính sách. Cùng với đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội ở các địa phương đã thường xuyên tổ chức cung cấp thông tin cho người có uy tín thông qua các hình thức như mở các cuộc hội nghị, dự các cuộc tọa đàm, nói chuyện thời sự. Theo thống kê bước đầu, trong 5 năm qua, chỉ riêng lực lượng công an các địa phương đã tổ chức 1111 cuộc tọa đàm, tham quan với hơn 47 nghìn lượt người có uy tín tham dự. Trong phong tào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, giữ vững chủ quyền, an ninh trật tự vùng dân tộc, miền núi và khu vực biên giới, các đồn biên phòng, các tổ công tác vận động quần chúng và các tổ công tác biên phòng đã tổ chức hơn 51 nghìn buổi tuyên truyền, thu hút hơn 5 triệu lượt người tham gia. Qua đó, đã phổ biến cho người có uy tín nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, kiến thức về quốc phòng, an ninh, về phòng chống tội phạm, ma túy. Cùng với lực lượng biên phòng và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, người có uy tín ở các xã biên giới đã tham gia có hiệu quả trong công tác phân giới cắm mốc, tham gia giải quyết việc xâm cư, xâm canh, tích cực tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ hìn bản sắc văn hóa dân tộc, vận động đồng bào tuần tra biên giới, tham gia bảo vệ đường biên và mốc giới, góp phần ổn định tình hình, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn và bảo đảm an ninh biên giới, giữ vững chủ quyền quốc gia.
5 năm qua, người có uy tín đã cung cấp cho lực lượng công an trên 23 nghìn tin liên quan đến an ninh trật tự; đã tham gia giải quyết, góp phần ổn định gần 5000 vụ việc, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, có nguy cơ trở thành "điểm nóng". Đáng chú ý, tại các địa phương vai trò của người uy tín được phát huy trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các tổ chức đoàn thể và giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc...
Đối với Hà Nội, trên địa bàn hiện có gần 81 nghìn người dân tộc thiểu số với 49/54 thành phần dân tộc cư trú trên khắp địa bàn 29 quận, huyện, thị xã. Đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung thành làng, bản tại 14 xã thuộc 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ với hơn 56 nghìn người, chủ yếu các dân tộc Mường và Dao. Nhận thức tầm quan trọng về việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua Hà Nội đã tổ chức 51 lớp tập huấn, tuyên truyền thu hút hơn 2500 lượt người có uy tín tham dự. Từ năm 2009 đến nay, người có uy tín đã tham gia giải quyết hiệu quả hơn 100 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, 15 vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai; hòa giải mâu thuẫn nội bộ nhân dân 36 vụ.
Các ý kiến tại hội nghị thống nhất khẳng định, người có uy tín trong dân tộc là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân và có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước và vận động quần chúng, đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, đại đoàn kết các dân tộc, vận động, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo; xây dựng và nhân rộng các mô mình sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, đoàn kết vượt khó, xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa...
Để phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều ý kiến đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân công rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành trong quản lý, thực hiện công tác vận động, phát huy vai trò và thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Có chính sách riêng đối với số người có uy tín do lực lượng vũ trang vận động phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.Định kỳ hằng năm tổ chức hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu, xuất sắc trong đồng bào các dân tộc thiểu số cấp tỉnh và toàn quốc...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.