(HNM) - Hiện nay TP Hà Nội có hơn 450 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Dự kiến, năm 2018 sẽ hoàn thành 65% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tỷ lệ giao dịch trực tuyến qua mạng đạt trên 90%..., hướng tới triển khai kiến trúc chính quyền điện tử.
Có thể nói, trong quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính, việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để hoàn thiện các dịch vụ hành chính công theo định hướng tiện lợi, công khai, minh bạch và hiệu quả là rất cần thiết. Đặc biệt là triển khai đồng bộ dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, sử dụng. Ứng dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ giảm công sức và thời gian đi lại của người dân, bởi thay vì phải đến cơ quan hành chính có thể ở nhà để gửi hồ sơ qua mạng. Đây là một xu thế tất yếu trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Sâu xa hơn, đây còn là cách giảm những sách nhiễu, tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình thực thi các thủ tục hành chính của cơ quan hành chính các cấp.
Trong những năm qua, cải cách hành chính trong cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã có những chuyển biến sâu rộng. Nhưng các nỗ lực ấy của chính quyền cũng rất cần sự tham gia của đông đảo người dân, như một chủ thể chính trong hoạt động cải cách hành chính, thực hiện tốt nhất mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân.
Trên thực tế, dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích nhưng không phải khi nào cũng thu hút được sự tham gia của người dân. Thậm chí vẫn có người thờ ơ hoặc suy nghĩ "chẳng có gì cho không", muốn "nhanh" thì phải mất tiền. Đây chính là lý do để ở đâu đó, tình trạng "cò mồi" vẫn tồn tại.
Về nguyên tắc, con người là chủ thể của các mối quan hệ trong xã hội và giữ vai trò quyết định. Trong cải cách hành chính cũng vậy, người dân không chỉ có vai trò trong việc khuyến nghị lấp các lỗ hổng trong hệ thống pháp luật, bộ máy hành chính mà còn tạo sức ép làm thay đổi các cách thức quản lý hành chính quan liêu, thiếu thực tế.
Nhưng muốn làm được như vậy thì chính người dân cũng cần có sự thay đổi, không chỉ về nếp nghĩ mà còn cả về hành vi, khẳng định mình là những "công dân điện tử". Mỗi người dân cần chú ý tuân thủ những quy tắc, chỉ dẫn cũng như các khuyến nghị từ chương trình cải cách hay cụ thể hơn là các quy trình thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến.
Tất nhiên, để phát huy vai trò chủ thể của người dân, khai thác hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến thì việc đầu tiên các cơ quan nhà nước cần làm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phải chứng minh được những lợi ích của dịch vụ công trực tuyến để người dân tin, nhận thức được vai trò và trách nhiệm cá nhân của mình, tích cực tham gia vào các hoạt động công. Các sở, ngành của thành phố cũng cần chủ động đơn giản các thủ tục hành chính qua mạng, thực hiện các quy trình liên thông điện tử một cách tiện ích hơn. Với mỗi sự cải tiến hoặc áp dụng một công cụ, quy trình mới cần thiết có sự tham khảo ý kiến công chúng để cái mới phù hợp với nhu cầu của người dân. Đồng thời chú trọng tới việc mở rộng quyền được tham gia nhiều hơn của người dân vào việc xây dựng các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính.
Cuối cùng, cơ quan hành chính nhà nước không nên quan niệm công dân chỉ là người thụ hưởng mà cần nhìn nhận họ là đối tác. Như vậy mới có thể khuyến khích người dân sử dụng, đồng thuận hưởng ứng. Thực tiễn cho thấy, một phần nguyên nhân khiến người dân chưa "mặn mà" với dịch vụ công trực tuyến, là do chất lượng phục vụ còn hạn chế, vì vậy cần tiếp tục cải tiến để cung cấp các dịch vụ công tốt hơn, tạo thuận lợi cũng như khuyến khích người dân, doanh nghiệp và tổ chức tham gia cơ chế một cửa điện tử này. Khi đó, hiệu quả sẽ cao hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.