(HNM) - 61 năm qua, từ ngày năm cửa ô Hà Nội rợp cờ sao đón đoàn quân chiến thắng trở về, Thủ đô Hà Nội đã nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và có bước chuyển mình lớn lao chưa từng có.
Phát huy những giá trị truyền thống cao đẹp, những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã và đang tập trung mọi nguồn lực vật chất và tinh thần nhằm phát huy vị thế và tiềm năng to lớn của Thủ đô Văn hiến, Anh hùng, quyết tâm đưa Thăng Long - Hà Nội lên tầm cao phát triển mới.
Ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng khỏi sự chiếm đóng của thực dân Pháp, đánh dấu một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam; đồng thời cũng là thắng lợi vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội.
61 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã đạt những thành tựu to lớn và rất đáng tự hào. Ảnh: Vũ Long |
61 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ thành phố, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn và rất đáng tự hào. Từ một thành phố có quy mô, diện tích, dân số tương đối nhỏ, kết cấu hạ tầng và kinh tế lạc hậu, bị phụ thuộc vào nước ngoài, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, ngày nay Hà Nội đã trở thành trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế.
Cùng với quá trình đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ đô Hà Nội đang đổi thay, lớn lên từng ngày. Diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. Trong những năm gần đây, bằng việc tổ chức rất thành công các sự kiện quốc tế quan trọng, Hà Nội đã để lại dấu ấn sâu sắc và tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Nhiều vị lãnh đạo, nguyên thủ các nước đã bày tỏ tình cảm trân trọng và ngưỡng mộ đối với Thăng Long - Hà Nội về truyền thống lịch sử văn hóa cũng như sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.
Du khách nước ngoài hay một người sống xa Hà Nội nay có dịp trở lại Thủ đô, ngay từ phút đặt chân đến sân bay Nội Bài, đi trên đại lộ Võ Nguyên Giáp, qua cây cầu dây văng hiện đại vừa mới khánh thành để về trung tâm Thủ đô Hà Nội; cùng với những hình ảnh thân quen lung linh sóng nước Hồ Tây, hồ Trúc Bạch; những hàng cây nghiêng soi bóng nước Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa rêu phong cổ kính, nhưng tình cảm, tâm hồn, niềm vui, sự cảm nhận về sự đổi thay của Hà Nội chắc chắn sẽ là nguồn cảm xúc trào dâng, làm ấm áp thêm niềm tự hào, tin yêu Hà Nội vốn có từ lâu trong mỗi người.
Quả thực, Hà Nội đang thay da đổi thịt từng ngày, thể hiện rõ ở hàng loạt công trình xây dựng mới và nhịp sống đô thị hiện đại; nhiều tuyến đường, nút giao thông, nhiều khu đô thị, trung tâm thương mại hiện đại vừa mới xây xong... Đặc biệt, từ khi được mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội, với quy mô rộng lớn, với sự đoàn kết nhất trí của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã trở thành Thủ đô có tiềm lực to lớn về nhiều mặt.
So với thời điểm 1954, Thủ đô Hà Nội hôm nay có diện tích tăng gấp 18 lần, dân số tăng gần 17 lần. Quy mô và tầm vóc mới đã giúp cho Thủ đô Hà Nội có thêm nguồn lực và động lực phát triển. Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia, một vị thế chính trị có tầm quan trọng đặc biệt của đất nước, diện tích 3.340km2, bằng một phần trăm diện tích tự nhiên cả nước, với dân số chiếm khoảng 8% dân số cả nước, nhưng hằng năm đang đóng góp cho đất nước khoảng 10% tổng sản phẩm quốc gia; 20% ngân sách; 20% giá trị hàng hóa xuất khẩu...
Phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, trước những yêu cầu đòi hỏi của Thủ đô và đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã nỗ lực vượt bậc, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, giành được những thành tựu to lớn, toàn diện, nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của Hà Nội đạt 9,5%, gấp 1,5 lần so với mức trung bình của cả nước; công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông được tập trung chỉ đạo quyết liệt và có chuyển biến tích cực; nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm được triển khai, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, như: Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài; đường Vành đai 3, đường Nhật Tân - Nội Bài, đường 5 kéo dài; cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù và 7 cầu vượt tại các nút giao thông nội đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội thành; văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có chuyển biến rõ rệt; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường; chương trình nông thôn mới được triển khai có hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện.
Hà Nội là địa phương có chỉ số phát triển con người, quy mô và chất lượng giáo dục - đào tạo đứng đầu cả nước. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm lo các gia đình chính sách, những người có công luôn được đặc biệt quan tâm. Hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở được kiện toàn; sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp có nhiều đổi mới theo hướng tập trung, kiên quyết, dứt điểm và hiệu quả.
Thành tích về cải cách hành chính những năm gần đây đang là điểm sáng của Thủ đô, được xếp thứ 3/63 tỉnh, thành trong cả nước, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được chú trọng và có nhiều tiến bộ. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí đang dần được đẩy lùi. Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội được nâng lên. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực sự tạo chuyển biến tích cực về ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Hà Nội luôn là Thủ đô bình yên, có sức hấp dẫn lớn đối với du khách và các nhà đầu tư quốc tế. Quan hệ, mối liên kết với các tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm trong nước; quan hệ đối ngoại, giao lưu hợp tác với thủ đô các nước, các tổ chức quốc tế ngày càng được mở rộng và tăng cường. Hiện nay Thủ đô Hà Nội có quan hệ hợp tác, hữu nghị với hơn 100 thành phố và thủ đô của các nước, qua đó không ngừng nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô, của đất nước trong cộng đồng quốc tế và bè bạn năm châu.
Với những truyền thống lịch sử hết sức đáng tự hào và thành tựu to lớn của hơn 60 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, Hà Nội xứng đáng được bạn bè thế giới ngợi ca là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"; là thành phố duy nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương được Tổ chức văn hóa giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Thủ đô Hà Nội đã vinh dự được Đảng, Quốc hội trao tặng những phần thưởng cao quý: 3 Huân chương Sao vàng, Huân chương Độc lập hạng Nhất và các danh hiệu: "Thủ đô Anh hùng", "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Cách đây tròn 1 năm, trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội lại vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Đây là những phần thưởng cao quý, là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Thủ đô tiếp tục vươn lên, hoàn thành trọng trách trước đất nước và dân tộc; đồng thời, là tiền đề, động lực to lớn để Hà Nội tổ chức thành công Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Phấn khởi trước những kết quả đạt được, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội cũng luôn trăn trở về những mặt còn hạn chế, yếu kém của mình. Có thể ví như trong một vườn hoa đẹp, một mặt nước hồ trong xanh, nhưng đó đây, lúc này lúc khác vẫn còn để mọc lên cỏ dại, vẫn còn bùn đất chưa được dọn sạch. Và cũng còn cả những công việc chưa kịp làm, hoặc làm chưa tốt.
Đó là, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa nói chung còn thấp; các nguồn lực về vốn, nhân lực và công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác tốt; kinh tế tri thức chưa thể hiện rõ nét trong các ngành kinh tế chủ lực; công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, quản lý quy hoạch, đất đai, xử lý úng ngập, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông còn nhiều bề bộn, ngổn ngang.
Kết quả phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa tương xứng với yêu cầu Thủ đô ngàn năm văn hiến; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến chưa đồng bộ; ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao; cải cách hành chính tuy có những tiến bộ vượt bậc, song tính chủ động, năng động của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Những hạn chế, yếu kém đó đang là trở lực của sự phát triển, là thách thức đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong những năm tới.
Xác định rõ khó khăn, thuận lợi của Thủ đô trong những năm tới, tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI diễn ra vào đầu tháng 11-2015, Thành ủy sẽ thảo luận và thông qua mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong nhiệm kỳ 2015-2020. Đại hội xác định chủ đề cho nhiệm kỳ 5 năm tới là:
"Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại".
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu đó, Thành ủy đề ra 5 nhiệm vụ chủ yếu: Một là, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Hai là, làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Ba là, tích cực phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô. Bốn là, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác, đối ngoại, hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô. Năm là, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.
Đồng thời, Thành ủy lựa chọn 3 khâu đột phá để tập trung thực hiện trong 5 năm tới: Thứ nhất là, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn. Thứ hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô. Thứ ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đó, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, của cả nước và mọi nguồn lực bên ngoài; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn với quyết tâm xây dựng, phát triển Thủ đô "xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường; hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh".
Trong những ngày tháng Mười lịch sử, chúng ta càng thấm thía sâu sắc giá trị quý báu không gì sánh được của độc lập, tự do của đất nước và hạnh phúc của nhân dân, giá trị của hòa bình và phát triển. Ôn lại những trang sử vàng truyền thống của Thủ đô Hà Nội, chúng ta càng thêm tin tưởng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững nhất định sẽ thành công, bởi Hà Nội có sức mạnh từ cội nguồn lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng, có Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, có nhân dân dũng cảm, cần cù, sáng tạo đang vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.