(HNMO) - Sáng 15-9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã tới thăm làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Cùng đi có đại diện các sở, ngành thành phố và lãnh đạo huyện Gia Lâm.
Xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) hiện có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh hàng gốm sứ. Xã hiện có 140 nghệ nhân và nhiều thợ giỏi. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được đông đảo khách hàng tại nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng và hiện đã có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…
Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm thương mại, nhiều nghệ nhân tại làng nghề Bát Tràng đã phục chế thành công những tác phẩm gốm sứ cổ. Những sản phẩm của làng nghề không chỉ được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng mà còn thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan để chiêm ngưỡng, trải nghiệm quy trình chế tác, sản xuất đồ gốm, sứ. Những năm gần đây, lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua bán ước khoảng 200.000 lượt/năm. Đặc biệt, vào mùa cao điểm, có ngày làng nghề đón gần 10.000 lượt khách.
Tuy nhiên, hiện số lượng hàng xuất khẩu của Bát Tràng chỉ chiếm khoảng 20% so với năng lực sản xuất. Ðể khôi phục sản xuất, làng nghề đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hướng tới chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Làng nghề Bát Tràng hiện có 6 cơ sở đạt chứng nhận OCOP và dự kiến cuối năm 2020 sẽ có thêm 10 cơ sở.
Thăm lò bầu nung gốm cổ tại làng nghề Bát Tràng, một số cơ sở sản xuất gốm sứ tiêu biểu của làng nghề và trò chuyện thân mật với các nghệ nhân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã ghi nhận, đánh giá cao sự tâm huyết, lòng yêu nghề của các nghệ nhân trong việc gìn giữ và phát huy nghề gốm sứ truyền thống, qua đó góp phần quảng bá những tinh hoa văn hóa của Thủ đô Hà Nội.
Nhấn mạnh những tiềm năng, thế mạnh của làng nghề Bát Tràng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, tổng kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới toàn thành phố từ năm 2016 đến nay là gần 57 nghìn tỷ đồng. Thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ có 1.000 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các sở, ngành và huyện Gia Lâm tập trung hỗ trợ làng nghề Bát Tràng phát triển và duy trì nghề gốm sứ truyền thống. Cùng với đó, cần phát triển mạnh mẽ du lịch làng nghề tại Bát Tràng, qua đó góp phần cùng thành phố Hà Nội đạt mục tiêu đến hết năm 2020, Thủ đô sẽ có 1.000 sản phẩm OCOP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.