Văn hóa

Nỗ lực tạo dấu ấn riêng cho thương hiệu gốm Bát Tràng

Thảo Nguyên 03/06/2024 - 06:05

Tuy không sinh ra và lớn lên ở xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) nhưng nghệ nhân Nguyễn Hùng đã góp phần lan tỏa tên tuổi của làng gốm bằng những tác phẩm tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt, anh đã gây bất ngờ với giới chuyên gia khi sáng tạo ra loại men hoàng thổ liên hoa độc đáo, thể hiện sự hòa quyện giữa truyền thống với hiện đại.

5.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Hùng say sưa hoàn thiện một tác phẩm tâm đắc. Ảnh nhân vật cung cấp.

Mang đậm bản sắc dân tộc

Là người Hải Phòng nhưng nghệ nhân Nguyễn Hùng lại sớm bén duyên với làng gốm Bát Tràng nhờ một chuyến học hỏi, khảo sát về gốm ở khắp các làng nghề trên cả nước, khi anh đang làm việc cho một công ty chuyên về gốm tại Hải Phòng. Anh nhận ra gốm Bát Tràng có một sức hút kỳ lạ và quyết định chuyển về đây sinh sống, làm nghề. Thế rồi Nguyễn Hùng gắn bó với làng nghề ven sông Hồng từ đó đến nay đã mấy chục năm.

Ngay từ khi bắt tay vào làm gốm Bát Tràng, anh đã xác định không dựa vào tiếng tăm có sẵn của làng mà phải không ngừng sáng tạo để tạo ra những sản phẩm mới, góp phần đưa tên tuổi của làng nghề Bát Tràng đến với nhiều khách hàng hơn nữa. Một lý do nữa thôi thúc anh không ngừng sáng tạo chính là sự biến đổi không ngừng của thị trường gốm sứ trong nước cũng như nước ngoài. Nếu không thay đổi và có các sản phẩm bắt nhịp với xu thế của thời đại thì sớm muộn gì sản phẩm của anh sẽ bị đào thải trong sự cạnh tranh khắc nghiệt.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, Nguyễn Hùng bắt tay vào sáng tạo sản phẩm mới, trong đó có việc tạo ra chất men mới. “Tôi phát hiện thân cây sen có thể thay thế vỏ trấu - nguyên liệu trong men tro cổ truyền. Tôi đã dùng tro của thân sen trộn với đất trầm tích ở sông Hồng cùng bột nghiền của một số loại khoáng thạch tự nhiên tạo thành dòng men mới, đặt tên hoàng thổ liên hoa (hoàng thổ là lớp đất phù sa sông Hồng; liên hoa là hoa sen). Men này cho dải màu rộng hơn, từ sắc nâu đến nâu đỏ chứ không đơn thuần là màu trắng ngà đơn sắc của men tro. Ngoài ra, việc cải tiến men khiến sản phẩm có thể chịu được nền nhiệt độ nung cao, khoảng 1.230oC - 1.300oC, từ đó giúp nghệ nhân tạo ra được những sản phẩm theo ý muốn của mình. Mặt khác, các tác phẩm gốm dùng men hoàng thổ liên hoa nung ở nhiệt độ rất cao làm cho lớp men tan chảy hòa quyện với cốt gốm ở bên trong, tạo hiệu ứng thổ hóa kim. Bởi vậy, tác phẩm rất chắc chắn, có độ cứng như thép, độ bền cao” - anh chia sẻ.

Không dừng ở đó, nghệ nhân Nguyễn Hùng còn sử dụng kỹ thuật đắp nổi, điêu khắc thay vì vẽ họa tiết như gốm thông thường dù biết rằng điêu khắc trên gốm có độ khó và yêu cầu kỹ thuật cao do chất liệu dễ vỡ, dễ bị biến dạng cấu trúc. Hơn 40 năm gắn bó với nghề, điều anh trăn trở là làm sao luôn sáng tạo, cách tân để tạo ra những tác phẩm có độ sâu, độ độc đáo mà không phải ai cũng làm được. Gốm sứ luôn là mặt hàng cao cấp, không thể tạo ra thứ sản phẩm chung chung, không có dấu ấn riêng của nghệ nhân được. Đó cũng là lý do anh đã sử dụng sen, bởi đây là biểu tượng của sự thanh cao, tinh khiết và cũng là biểu tượng của dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất. “Tôi luôn kiếm tìm sự khác biệt và luôn quan sát, phân tích tính cổ truyền dưới góc nhìn hiện đại. Qua nhiều năm trăn trở mày mò từ các bài men của các bậc tiền nhân, tôi cho ra đời những sản phẩm mang bản sắc dân tộc đậm nét nhất” - anh chia sẻ.

Dấu ấn sáng tạo

Trong những năm gần đây, người trong nghề biết đến nghệ nhân Nguyễn Hùng với 2 tác phẩm đặc biệt ấn tượng là “Thiềm thừ Thiên phong ấn” (nặng 1.500kg, dài hơn 1,7m, rộng 1,1m và cao 0,778m được chế tác trong gần 7 tháng) và “Phú quý mãn đường” (chiếc đĩa gốm nặng 400kg, đường kính 1,37m, có đắp nổi và chạm khắc cây tuyết tùng, đôi chim công, núi và mặt trời, được chế tác trong khoảng 2.500 giờ). Trước đó, tác phẩm của anh đã được trưng bày tại Bảo tàng thêu nghệ thuật XQ ở Huế, được lưu giữ tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Gióng ở Sóc Sơn. Đặc biệt, anh là nghệ nhân hiếm hoi không phải người dân của làng Bát Tràng mà có sản phẩm được trưng bày tại Bảo tàng tinh hoa nghề gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm).

6.jpg

Các sản phẩm gốm của nghệ nhân Nguyễn Hùng thường được đắp nổi nhiều chữ Hán. Trong nhà anh có một tác phẩm tranh gốm khắc bài thơ chữ Hán “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt mà anh làm từ chữ viết của ông đồ nổi tiếng Cung Khắc Lược. Ngắm nhìn những tác phẩm của anh, ai cũng có nhận xét chung đó là sức sống văn hóa truyền thống luôn trỗi dậy sống động và mạnh mẽ.

Điểm tô thêm vẻ đẹp cho làng gốm nổi tiếng

Là người đồng hành cùng nghệ nhân Nguyễn Hùng trong các sản phẩm gốm sứ, bà Bùi Hương, Giám đốc Công ty TNHH gốm Hương Việt cho biết, từ việc tạo ra dòng men hoàng thổ liên hoa độc đáo, thuần Việt, nghệ nhân Nguyễn Hùng đã có đóng góp lớn trong việc quảng bá thương hiệu gốm sứ Bát Tràng. “Việc tạo ra men mới là điều vô cùng quan trọng, nó sẽ quyết định đến chất lượng của tác phẩm. Men hoàng thổ liên hoa của nghệ nhân Nguyễn Hùng thuần Việt, không phải là vật liệu quá xa lạ với người dân Việt Nam nhưng điều quan trọng là anh đã dám làm, dám thử nghiệm và đã thành công. Làm gốm không thể “ăn xổi”, nó là nghề cần nhiều yếu tố và tôi thấy ở Nguyễn Hùng đã hội tụ đầy đủ những yếu tố đó. Câu chuyện về nỗ lực vươn lên của nghệ nhân Nguyễn Hùng còn truyền cảm hứng cho nhiều thợ gốm và các nghệ nhân khác, nhất là những người trẻ” - bà Hương nhấn mạnh.

Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết, hiện Bát Tràng có 2 Nghệ nhân Nhân dân, 9 Nghệ nhân Ưu tú, 32 Nghệ nhân Hà Nội (do UBND thành phố công nhận) và trên 100 Nghệ nhân làng nghề (do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận), trong đó Nguyễn Hùng là Nghệ nhân Hà Nội. “Nghệ nhân Nguyễn Hùng đã góp phần tô điểm vẻ đẹp của làng gốm nổi tiếng Hà thành. Chính quyền địa phương luôn ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, tâm huyết của anh, đồng thời chúng tôi luôn hỗ trợ để anh có những hoạt động quảng bá sản phẩm, gây dựng thương hiệu bởi chúng tôi hiểu rằng, việc tôn vinh anh cũng là tôn vinh làng nghề của cha ông, tôn vinh vẻ đẹp của sự sáng tạo” - ông Khôi nhấn mạnh.

Sau hơn 40 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Nguyễn Hùng đã không ngừng thử nghiệm, tìm tòi các hướng đi mới với mong mỏi tiếp tục kế thừa, phát triển nghề gốm của cha ông. Tuy nhiên, hành trình sáng tạo với gốm Bát Tràng không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng, nhưng anh vẫn tiếp tục con đường mình đã chọn. Bởi anh luôn khắc cốt ghi tâm rằng, làm nghề thì phải kiên trì, chịu khó, sáng tạo mới có thành quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực tạo dấu ấn riêng cho thương hiệu gốm Bát Tràng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.