Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy tài năng của nghệ sĩ biểu diễn - ''linh hồn'' trên sân khấu

An Nhi| 22/12/2022 14:46

(HNMO) - Ngày 22-12, tại Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức hội thảo “Vai trò nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu” với sự tham gia góp ý, chia sẻ tâm huyết từ các văn nghệ sĩ Thủ đô.

Nhiều ý kiến tâm huyết được chia sẻ tại hội thảo.

Đề dẫn tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc khẳng định, nghệ sĩ biểu diễn - diễn viên, dù ở sân khấu dân gian hay bác học, cách mạng, hiện đại vẫn luôn là trung tâm của nghệ thuật sân khấu. Họ vừa là đối tượng sáng tạo, vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là phương tiện thực hiện sáng tạo. Mỗi lần bước lên sân khấu là một lần nghệ sĩ biểu diễn sáng tạo, phô diễn tài năng của mình và thể hiện những sáng tạo của cả ê kíp. Vì vậy, để sân khấu phát triển, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả hôm nay, trước hết cần chấn hưng việc biểu diễn và nghệ sĩ biểu diễn.

Với cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm cho rằng, đây là cuộc hội thảo cần thiết đối với sự phát triển của nghệ thuật sân khấu nói riêng và văn học, nghệ thuật Thủ đô nói chung. Đã từng là nghệ sĩ biểu diễn nhiều năm và quản lý các đơn vị nghệ thuật sân khấu, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm nhận định, hiện nay, sân khấu Thủ đô đang thiếu diễn viên trẻ trầm trọng, nhất là diễn viên tài năng để gìn giữ nghệ thuật truyền thống. Lực lượng diễn viên lớn tuổi chiếm đa số ở các đơn vị nghệ thuật nhưng đã xuống về nhan sắc và khả năng biểu diễn; nghệ sĩ trẻ thì chưa đủ năng lực thể hiện các vai chính. 

“Nhiều vở diễn để nghệ sĩ tầm 40 tuổi đảm nhận vai tuổi 20”, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm nêu thực trạng, đồng thời cho biết, các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống nhiều năm qua không tuyển đủ diễn viên, không có chỉ tiêu biên chế để “giữ chân” người trẻ, các cơ sở đào tạo cũng ít thí sinh ứng thí cho sân khấu truyền thống. 

Nghệ sĩ nhân dân Bùi Thanh Trầm cho rằng, các cấp, ngành, cơ quan chức năng, đơn vị nghệ thuật cần chú trọng hơn đến vấn đề đào tạo diễn viên, mời những nghệ sĩ tài năng đã hết tuổi diễn tham gia truyền dạy tích cực. Người đào tạo và người diễn phải được coi trọng như nhau. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ thích hợp đối với nghệ sĩ biểu diễn trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống để thu hút tài năng và giữ họ ở lại. 

Nêu nhiều ví dụ về sức cảm hóa của tác phẩm sân khấu, trong đó có vai trò lớn của nghệ sĩ biểu diễn, đối với công chúng, Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Trần Tuấn Hải cho rằng, để nâng cao tình yêu nghệ thuật, cải thiện kỹ năng biểu diễn cho nghệ sĩ, diễn viên, thì các cấp hội nghề nghiệp, đơn vị nghệ thuật cần tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, trao đổi, khích lệ diễn viên, nhất là diễn viên trẻ; liên kết giữa các nhà hát, các nghệ sĩ để cùng chung chí hướng, quyết tâm phát triển nghệ thuật sân khấu…

Nhiều ý kiến tại hội thảo đã đưa ra giải pháp phát huy vai trò của nghệ sĩ biểu diễn sân khấu, như sự linh hoạt, mạnh dạn của các đơn vị nghệ thuật trong việc sử dụng diễn viên, nhất là diễn viên trẻ; việc đào tạo hướng đến thực hành nhiều hơn lý thuyết; tăng cường giao lưu, hợp tác đào tạo nghệ sĩ biểu diễn ở trong và ngoài nước; đầu tư sân khấu hiện đại, hỗ trợ tốt nghệ sĩ biểu diễn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy tài năng của nghệ sĩ biểu diễn - ''linh hồn'' trên sân khấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.