Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy sức mạnh cộng đồng trong bảo tồn, phát huy di sản kéo co

Miên Hạo| 26/12/2020 17:20

(HNMO) - Ngày 26-12, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức tọa đàm cộng đồng Nghi lễ và trò chơi kéo co Việt Nam 2020, nhân kỷ niệm 5 năm Di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản đại diện của nhân loại (2015-2020).

Tại tọa đàm, đại diện nhiều cộng đồng sở hữu nghi lễ và trò chơi kéo co đã đề xuất những sáng kiến, giải pháp khơi dậy hơn nữa sức mạnh cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Quảng cảnh buổi tọa đàm cộng đồng Nghi lễ và trò chơi kéo co Việt Nam 2020.

Tại tọa đàm, đại diện nhiều cộng đồng sở hữu di sản đã chia sẻ về vai trò, ý nghĩa của nghi lễ và trò chơi kéo co đối với đời sống văn hóa ở địa phương.

Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, thời gian qua Hội đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động giao lưu trình diễn, hợp tác nghiên cứu và xuất bản về nghi lễ và trò chơi kéo co, với mục đích hỗ trợ cộng đồng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hành gìn giữ và phát huy giá trị di sản

Ông Ngô Quang Khải, Thủ từ đền Trấn Vũ (Long Biên) thông tin: "Kéo co không chỉ là một trò chơi dân gian hay bộ môn thể thao phô diễn sức mạnh mà chứa đựng trong đó cả đời sống tâm linh, ước vọng của cộng đồng".

Về những khó khăn và thuận lợi trong việc giữ gìn di sản, Bí thư Chi bộ thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) Nguyễn Văn Thắng cho biết: Người dân địa phương hiểu ý nghĩa và chủ động trong việc bảo tồn, phát huy giá trị, tuy nhiên khó khăn gặp phải là tình trạng thiếu kinh phí dành cho công tác bảo vệ và trao truyền; mai một những giá trị chưa được nhận diện, phục hồi; nguồn vật liệu truyền thống như cây song (dùng trong nghi lễ kéo co ngồi) ngày một khan hiếm...

Kéo co truyền thống ở đền Trấn Vũ.

Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), bà Phạm Lan Anh bày tỏ mong muốn Hà Nội sẽ là nơi kết nối các địa phương có di sản kéo co, tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ di sản. 

Còn theo bà Lê Thị Minh Lý, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các cơ quan quản lý văn hóa từ trung ương đến địa phương cần có hình thức quảng bá, phổ biến di sản phù hợp để xã hội thấy được ý nghĩa, từ đó chung tay chia sẻ với nhóm cộng đồng sở hữu di sản. "Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, cập nhật thông tin định kỳ về tình trạng di sản, hỗ trợ các địa phương tiến hành các bước đề cử để lập hồ sơ đề nghị UNESCO bổ sung danh sách", bà Lê Thị Minh Lý nêu.

Các đại biểu tham gia tọa đàm đã cùng thông qua dự thảo Đề án thành lập Câu lạc bộ Mạng lưới các cộng đồng di sản kéo co Việt Nam nhằm tăng cường sự gắn kết, trao đổi giữa các cộng đồng cùng thực hành di sản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy sức mạnh cộng đồng trong bảo tồn, phát huy di sản kéo co

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.