Văn hóa

Trao truyền, tiếp nối di sản kéo co Những ý kiến tâm huyết

Khánh Linh ghi 25/11/2023 - 12:56

Ngày 17-11 vừa qua, cuộc tọa đàm quốc tế “Bảo vệ, phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại” đã được tổ chức tại đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) với sự tham gia của nhiều đại biểu trong nước và quốc tế. Hànộimới Cuối tuần đã lược ghi những ý kiến tâm huyết nhằm góp phần phát huy hơn nữa giá trị của trò chơi dân gian độc đáo này trong đời sống đương đại.

tuan-nghia.jpg

Ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Lào Cai:
Quan tâm, đầu tư kinh phí cho việc bảo tồn, thực hành di sản

Sau 8 năm Nghi lễ và trò chơi kéo co được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Lào Cai vẫn nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị di sản kéo co trong cộng đồng, gắn kết chặt với lễ hội xuống đồng của người Tày, Giáy.

Hiện nay, thách thức lớn nhất trong việc bảo tồn di sản kéo co là vai trò chủ thể di sản đang bị xem nhẹ. Một số yêu cầu mang tính bắt buộc trong nghi thức truyền thống đang bị đơn giản hóa, chẳng hạn như việc chọn dây mây kéo co. Do bận rộn, ngại đi xa (phải vào rừng già) để lấy dây nên cộng đồng thay dây kéo co bằng loại dây rừng khác, thậm chí là dùng các loại dây công nghiệp...

Bên cạnh đó, cách kéo và quy tắc cũng đang dần bị ảnh hưởng do sự tham gia quá đông của khách du lịch... Tiếp đó là khó khăn về kinh phí hỗ trợ cho việc tổ chức lễ hội truyền thống và hỗ trợ cho nghệ nhân, học viên tham gia các lớp trao truyền di sản, tập luyện, thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co. Đặc biệt, hiện tượng giải thiêng ở một số nghi thức trong lễ hội xuống đồng đã ít nhiều ảnh hưởng đến giá trị của lễ hội.

Trước thực trạng đó, tôi mong muốn Nhà nước, các ban, ngành và đặc biệt là tổ chức UNESCO quan tâm, đầu tư kinh phí hỗ trợ việc bảo vệ, phát huy và truyền bá di sản; thực hiện tốt kế hoạch tổ chức các chương trình giao lưu trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo chu kỳ 2 - 3 năm/lần. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đầu tư, hỗ trợ nguồn kinh phí cho địa phương để tổ chức phổ biến, thực hành di sản; xây dựng kéo co trở thành một hoạt động văn hóa chính trong lễ hội của đồng bào các dân tộc Lào Cai nói riêng và các tỉnh nói chung, góp phần bảo tồn, và phát triển kéo co trở thành di sản văn hóa điển hình của cả nước.

quang-khai.jpg

Ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội):
Sớm có chính sách bảo tồn phát huy giá trị di sản

Hội đền Trấn Vũ ở làng Ngọc Trì hằng năm được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch gắn với ngày Đức thánh Trấn Vũ đản sinh. Ngoài các nghi thức tế lễ, ở đây có một nghi thức dân gian rất độc đáo, đó là trò kéo co ngồi bằng dây song luồn qua lỗ cột.

Trò kéo co được tổ chức như sau: Các giáp cử ra các tráng đinh có phẩm hạnh, gọi là giai kéo co, chia làm hai phe (mạn Đường và mạn Chợ). Giai kéo co ngồi chân co chân duỗi. Người ở từng phe lần lượt ngồi xen kẽ ở hai phía của dây. Mỗi người một tay duỗi thẳng, tay kia co trước ngực, dây được kẹp chặt dưới nách phía tay co. Sau hiệu lệnh bằng ba hồi trống khẩu, nêm được tháo ra. Hai tổng phất cờ hô “Í a, kéo!” và cuộc kéo co bắt đầu. Nếu phe mạn Đường (mạn gốc) thắng thì được xem là năm đó làng được phúc lớn...

Nghi thức kéo co gắn liền với cộng đồng dân cư Việt cổ, gắn với biểu trưng cho cầu mùa, cầu phúc, cầu cho sự sinh sôi phát triển. Tuy nhiên, ngày nay, nghi thức kéo co thường được coi là trò chơi mang tính thể thao, giải trí thông thường. Bên cạnh đó, xu hướng đô thị hóa mạnh mẽ và sự biến động về dân cư đã đe dọa sự toàn vẹn về không gian, cảnh quan kiến trúc của di tích.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị Thành phố Hà Nội và quận Long Biên cần quan tâm hơn nữa đến công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích; bố trí quỹ đất xây dựng Bảo tàng Kéo co Việt Nam tại phường Thạch Bàn; kết nối với các tour du lịch phục vụ công tác quảng bá giới thiệu về di sản văn hóa; có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho những người làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lập hồ sơ công nhận nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; tiếp tục tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về giá trị di sản văn hóa đền Trấn Vũ, nghi thức kéo co ngồi đến mọi tầng lớp nhân dân; đưa chương trình kéo co vào các tiết học thể chất trong trường học, trước tiên là áp dụng đối với trường học ở phường Thạch Bàn…

van-thang.jpg

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Hòa Loan (xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc):
Xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp cho các nghệ nhân

Lễ hội kéo co thôn Hòa Loan thường được dân làng gọi vui là lễ hội "3 không": Thứ nhất là không giải thưởng vì tất cả số tiền treo giải và khách thập phương công đức, sau khi tan hội sẽ được cung tiến vào đình để Ban bảo vệ di tích đình tôn tạo, tu sửa và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho lễ hội và đình làng. Thứ hai là không phân biệt già - trẻ, gái - trai, chủ - khách, ai cũng có thể tham gia kéo co. Thứ ba là không giới hạn về số lượng người kéo và thời gian kéo.

Giải kéo co thôn Hòa Loan thường kéo dài hàng giờ vì hễ bên nào sắp sửa thua là thanh niên gần đấy sẽ ùa vào kéo đỡ, dây song dùng để kéo nhiều khi căng như một sợi chỉ, thậm chí đứng im trong một thời gian dài. Các cụ kể rằng, trước kia có những cuộc kéo co diễn ra suốt cả buổi chiều mà không phân thắng bại; thời chưa có điện, người làng phải đốt đuốc và thay nhau về ăn cơm để ra kéo tiếp. Đây là nét độc đáo của hội kéo co thôn Hòa Loan và cho đến hiện tại, chính quyền địa phương vẫn tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của hội kéo co trong đời sống.

Trong vòng quay của cuộc sống hiện đại, việc giữ gìn giá trị truyền thống của trò chơi dân gian gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là thiếu kinh phí cho công tác bảo vệ và trao truyền di sản. Tiếp đó, nguồn vật liệu truyền thống là cây song mật ngày một khan hiếm, dây kéo đứt liên tục, thậm chí có khi chúng tôi phải chập đôi, chập ba dây song để kéo... Vì thế, chúng tôi rất mong sớm có sự đầu tư thỏa đáng cho các hoạt động bảo tồn di sản tại cộng đồng, trong đó có chế độ đãi ngộ dành cho nghệ nhân tích cực đóng góp bảo vệ di sản. Đồng thời, tôi mong muốn các cơ quan chức năng có thêm nhiều hình thức quảng bá phù hợp để xã hội thấy được ý nghĩa, từ đó chung tay bảo tồn di sản kéo co.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trao truyền, tiếp nối di sản kéo co Những ý kiến tâm huyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.