Là một trò chơi dân gian có phần đơn giản, song kéo co thường xuyên xuất hiện tại nhiều lễ hội ở một số quốc gia châu Á bởi niềm vui mà nó mang lại cho những người chơi khi nâng cao tinh thần hợp tác đồng đội.
Để ghi nhận các giá trị cộng đồng của kéo co, nhiều năm qua, chính quyền huyện Dangjin, tỉnh Chungcheongnam-do (Hàn Quốc) đã đưa ra nhiều chính sách để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của trò chơi này.
Dù mỗi địa phương có những cách thức và luật lệ khác nhau đặt ra cho trò chơi này, song ý nghĩa quan trọng nhất của kéo co là thúc đẩy đoàn kết cộng đồng. Chính vì thế, cuối năm 2015, nghi lễ và trò chơi kéo co đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tại Hàn Quốc, trò chơi kéo co tại huyện Dangjin được đánh giá là một trong những phiên bản độc đáo. Với tên gọi kéo co Gijisi, trò chơi này được tổ chức lần đầu tiên vào khoảng 500 năm trước nhằm giúp người dân tìm lại niềm vui để vượt qua sự bi thương của một thảm họa thiên nhiên tàn khốc đồng thời khuyến khích sự hòa hợp cộng đồng, động viên người dân gia tăng sản xuất nông nghiệp. Sau đó, hội kéo co Gijisi trở thành nơi các làng chài khoe kỹ thuật làm dây thừng của từng địa phương. Truyền thống này được duy trì qua nhiều thập niên và truyền lại cho đến ngày nay.
Năm 1982, chính phủ Hàn Quốc đã đưa lễ hội kéo co tại Dangjin vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Còn tại địa phương, để ghi nhận các giá trị cộng đồng của trò chơi này, Dangjin đã thành lập một bảo tàng kéo co và không ngừng nỗ lực để đẩy mạnh lễ hội kéo co của địa phương. Tại bảo tàng, khách tham quan có thể tìm hiểu về lịch sử của trò chơi có tính tập thể cao này và các bước làm ra sợi dây thừng khổng lồ hiếm thấy với đường kính lên tới 1m, chiều dài lên 200m và nặng khoảng 40 tấn. Theo truyền thống, sợi dây thừng được làm từ rơm rạ bện chặt. Quá trình làm ra sợi dây thừng sử dụng trong các lễ hội Gijisi được các nghệ nhân chăm chút từng bước một và nó đã trở thành niềm tự hào của người dân địa phương.
Nhiều năm trước, nghi thức kéo co truyền thống bắt đầu vào khoảng nửa đêm trước ngày lễ hội. Cả hai đội sẽ bảo quản và trông coi sợi dây thừng của mình và cầu nguyện cho chiến thắng. Trong thời gian này, các đội cũng ngăn cản các thành viên của đội đối phương bước qua dây, tránh mang lại điềm không lành trong cuộc thi đấu.
Sau đó, các đội tập trung tại địa điểm diễn ra lễ hội và thực hiện nghi lễ cầu nguyện tiếp theo cho sự an toàn và thịnh vượng của ngôi làng; lễ vật cũng được dâng lên Teojushin - nữ thần trái đất. Rạng sáng, sau khi hoàn thành các nghi lễ, 2 đội kéo dây đến địa điểm thi đấu trong một đám rước với cờ và trang phục, kèm theo nhạc gõ. Bất chấp sức nặng của sợi dây, những người chơi đều tỏ ra hào hứng với biểu tượng của Dangjin. Tại trung tâm của lễ hội, hai đội tách sợi dây thừng chính thành các nhánh khác nhau để thành viên mỗi đội có thể cầm và kéo. Trò chơi kéo co được thực hiện 3 hiệp trong sự cổ vũ của người dân, du khách và âm thanh vui nhộn của các nhạc cụ dân gian. Kết thúc lễ hội, dây thừng sẽ được chia nhỏ để phân phát cho những người tham gia với ý nghĩa mang lại sự may mắn cho cả năm.
Trong một bài viết về những trải nghiệm tại lễ hội Gijisi, nhà báo người Italia Martina Marrandino cho biết: “Tôi cảm nhận được tinh thần cộng đồng và sự đoàn kết giữa những người tham gia bất chấp tính chất cạnh tranh của trò chơi. Điều làm cho lễ hội trở nên độc đáo là nó đề cao sự hợp tác hơn là phân định thắng thua... Tại lễ hội này, chiến thắng của bên nam được cho là sẽ mang lại hòa bình cho đất nước, còn chiến thắng của bên nữ sẽ mang lại sự thịnh vượng”.
Theo các chuyên gia văn hóa, kéo co là một trò chơi dân gian phổ biến, dễ thực hiện và được mọi người ở mọi lứa tuổi, tầng lớp ưa thích. Tuy nhiên, đây không chỉ là một trò chơi thông thường, kéo co chứa đựng tầng sâu văn hóa thể hiện qua những tập tục và tín ngưỡng riêng của mỗi quốc gia cần được bảo vệ và phát huy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.